Xâm phạm bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật cạnh tranh là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 Xâm phạm bí mật kinh doanh

Căn cứ pháp lý

- Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018.

- Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Đặc điểm của bí mật kinh doanh

Trong hai hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2018 loại bỏ hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn, nhưng giữ lại hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh thường được công nhận là một đối tượng tài sản trí tuệ, tuy nhiên do tính chất “bí mật”, không thể công khai nên không thể sử dụng các cơ chế bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ như đăng kí, cấp văn bằng bảo hộ,… Trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu chỉ cho biết về sự tồn tại của bí mật kinh doanh và yêu cầu bảo hộ khi đối tượng đã bị xâm phạm. Do đó, pháp luật cạnh tranh không lành mạnh được sử dụng để bảo vệ đối tượng này.

Bí mật kinh doanh được hiểu là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh (căn cứ theo định nghĩa tại Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) và cũng theo Điều 84 Luật này, bí mật kinh doanh được bảo hộ có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”

- Bí mật kinh doanh không phải là hiểu biết thông thường, tức là công chúng nói chung hay các đối tượng quan tâm không thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin bằng các biện pháp, phương tiện thông thường.

- Khi thông tin được bộc lộ, ai cũng biết đến, giá trị thương mại của thông tin và lợi thế cạnh tranh nó đem lại cho chủ sở hữu sẽ không còn. Ví dụ như thông tin về danh sách khách hàng hay các đối tác kinh doanh của một doanh nghiệp cũng được coi là một bí mật kinh doanh của doanh nghiệp đó, vì thông tin có thể đem lại lợi thế cạnh tranh mà không thể hiện yếu tố “trí tuệ” hay “sáng tạo”.

- Chủ sở hữu hay người nắm giữ bí mật kinh doanh có ý thức bảo mật và bảo mật thông tin bằng các biện pháp cần thiết để nhằm ngăn cản công chúng hay các đối thủ cạnh tranh tiếp cận, tìm hiểu, thu thập và phổ biến thông tin. Vì nếu chủ sở hữu không có ý thức bảo mật hoặc chủ động cung cấp thông tin, bí mật kinh doanh cho người khác thì pháp luật không thể bảo hộ trong trường hợp này.

Các dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh

Luật Cạnh tranh năm 2018 điều chỉnh hai dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh tại Khoản 1 Điều 45, đó là:

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.”

- Hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó. Trong dạng hành vi này, nếu người thu thập thông tin nhằm mục đích bán lại cho bên thứ ba mà không trực tiếp khai thác thì bên bị xâm phạm còn có thể kiện bồi thường thiệt hại theo dân sự hoặc hành chính, hình sự (nếu xâm phạm bí mật hoặc an toàn điện tín, điện thoại, điện tín của người khác,…).

- Hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. Dạng hành vi này thường hướng đến các đối tượng không trực tiếp chiếm đoạt bí mật kinh doanh từ chủ sở hữu hay người nắm giữ hợp pháp bí mật nhưng có thể tiếp nhận từ người trực tiếp chiếm đoạt, những người thứ ba khác hoặc từ các nguồn công khai sau khi bí mật đã được bộc lộ. Kể cả trong những trường hợp như vậy, pháp luật cũng không cho phép họ tiếp tục sử dụng hay lưu truyền thông tin cho người khác.

Hình thức xử phạt hành chính hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

Căn cứ vào Điều 16 của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó. Ví dụ, anh M là giám đốc, nắm giữ danh sách đối tác vip của công ty A, anh M lưu giữ bản cứng danh sách trên trong két sắt tại công ty, anh H là cấp dưới của anh M nhưng thực chất là nhân viên của công ty đối thủ cài vào công ty A để thăm dò. Anh H đã lợi dụng lúc anh M không có mặt tại văn phòng, đặt camera nhìn lén mật khẩu két sắt để lấy đi danh sách khách hàng trên. Như vậy hành vi của anh H đã xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh của công ty A và anh M. Tùy vào thiệt hại của công ty A mà anh H sẽ phải chịu mức phạt tiền là bao nhiêu.

- Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư