Ai có quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:43 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu của Hội đồng nhân dân. Vậy việc triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Điều 80 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019) quy định như sau:

1. Triệu tập kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân:

Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất được tính từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm.

Việc triệu tập kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước hoặc Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp nhiệm kỳ mới triệu tập.

Trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch thì một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước triệu tập kỳ họp. Nếu khuyết cả Chủ tịch, Quyền Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã) hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) chỉ định Triệu tập viên để triệu tập kỳ họp thứ nhất cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp ban hành nghị quyết về việc chỉ định Triệu tập viên.

Người triệu tập kỳ họp tiến hành khai mạc và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra được Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới.

2. Triệu tập các kỳ họp Hội đồng nhân dân trong suốt nhiệm kỳ:

Trong hoạt động của cả nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ chậm nhất là 20 ngày. Đối với các kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thì quyết định triệu tập kỳ họp chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Trường hợp khuyết Thường trực Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp sẽ có quyền chỉ định triệu tập viên. Đối với kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền chỉ định triệu tập viên, để triệu tập và chủ tọa kỳ họp Hội đồng nhân dân.

3. Quyết định triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân:

Văn bản quyết định triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân ban hành. Tên văn bản sẽ nêu cụ thể là Quyết định triệu tập kỳ họp thứ mấy Hội đồng nhân dân, ở địa phương nào, khóa mấy, nhiệm kỳ nào. Quyết định triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân phải ghi rõ thời gian, địa điểm, nội dung của kỳ họp. Đại biểu Hội đồng nhân dân của có trách nhiệm tham dự kỳ họp đúng thời gian và địa điểm đã được nêu rõ trong quyết định.

Quyết định triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân sẽ được gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân cùng với dự kiến chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân. Quyết định triệu tập kỳ họp và dự kiến chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã nêu rõ những quy định về thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư