Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:50 (GMT+7)

Bài viết trình bày về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức

Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức như thế nào? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Căn cứ Điều 32 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: 

Điều 32. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức

1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội thì có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

2. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;

b) Kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chính sách của dự án luật, pháp lệnh;

c) Yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh;

d) Cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.” 

1. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh là gì?

Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được xác định là thủ tục đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng trong quy trình xây dựng và ban hành luật, pháp lệnh. Đây là giai đoạn cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm xác định nhu cầu, tìm ra các chính sách, quy phạm pháp luật phù hợp để giải quyết những vấn đề của xã hội và quản lý nhà nước. 

2. Yêu cầu của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh:

Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải đáp ứng những yêu cầu sau:

- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề của xã hội và các vấn đề đó cần thiết phải điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh;

- Bảm đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân;

- Luật, pháp lệnh đề nghị ban hành phải được đánh giá tác động các chính sách cơ bản và nội dung chính của văn bản;

- Đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;

- Phù hợp với nội dung cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch trở thành thành viên;

- Các điều kiện đảm bảo thi hành luật, pháp lệnh;

- Bảm đảm tính khả thi.

3. Thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh:

Theo quy định trên, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội thì có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó bao gồm: Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận.

Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ lập dự án về chương tình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội quyết định (theo Điều 48 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014). Hội đồng dân tộc có nhiệm vụ trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Hội đồng dân tộc phụ trách (theo Điều 69 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014). Các Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách như: pháp luật; tư pháp; kinh tế; tài chính, ngân sách; quốc phòng và an ninh; văn hóa, giáo dục; xã hội; khoa học, công nghệ và môi trường; đối ngoại. Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (theo Điều 7 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015). Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ trình Quốc hội dự án luật, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự án nghị quyết theo quy định của luật (theo Điều 20 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014).

4. Căn cứ xây dựng luật, pháp lệnh:

Theo quy định trên, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh thường được các chủ thể tiến hành dựa trên những cơ sở sau để chứng minh sự cần thiết của van bản đó:

4.1. Cơ sở chính trị:

Căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng để định hướng cho công tác dự kiến xây dựng pháp luật. Các cơ quan cần nghiên cứu cụ thể nội dung các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực để xác định những văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành hay sửa đổi, bổ sung.

4.2. Cơ sở thực tiễn:

Căn cứ vào thực trạng của quan hệ kinh tế - xã hội để phân tích sự cần thiết phải xây dựng luật, pháp lệnh mới nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh. Dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát thực tiễn, cơ quan đề nghị xây dựng văn bản phải chứng minh được nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ xã hội mới xuất hiện. Việc dự kiến xây dựng luật phải bám sát vào nguyên tắc pháp luật phải theo kịp cuộc sống và thúc đẩy phát triển của xã hội. Chỉ khi pháp luật là công cụ điều chỉnh hữu hiệu, ưu thế hơn các quy phạm xã hội khác thì cơ quan, tổ chức mới đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh.

4.3. Cơ sở pháp lí:

Thông qua kết quả tổng kết, đánh giá thực trạng thi hành luật, pháp lệnh hiện hành cho thấy nhu cầu cần sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành hoặc cần nâng cao giá trị pháp lý của văn bản hiện hành để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cơ quan, tổ chức sẽ đề nghị ban hành luật, pháp lệnh để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Ngoài ra khi có luật, pháp lệnh mới được ban hành sẽ là cơ sở để tiếp tục ban hành những văn bản quy phạm pháp luật chi tiết và hướn dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày quy định về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư