Điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

Bài viết trình bày về lý do, thẩm quyền, trình tự thủ tục điều động và cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Vậy việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được quy định như thế nào? Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này.

Điều 124 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:

“Điều 124. Điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

3. Người được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.

4. Người đã quyết định điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thông báo cho Hội đồng nhân dân về việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân mới tại kỳ họp gần nhất.”

Theo quy định trên, việc điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải đảm bảo các điều như sau:

1. Điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân:

Khoản 10 Điều 7 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định về điều động như sau:

“Điều 7. Giải thích từ ngữ

10. Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.”

Điều động được hiểu là việc người có thẩm quyền trong tổ chức, cơ quan đưa ra quyết định để cho người được bổ nhiệm giữ chức vụ nhất định nào đó chuyển đơn vị công tác. Điều động là sang đơn vị khác công tác, có thể giữ chức vụ ngang với chức vụ cũ, có thể giữ chức vụ cao hơn hoặc có thể bị xuống chức.

1.1. Lý do điều động:

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức năm 2020 quy định như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được điều động đến nơi khác do yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật.

1.2. Thẩm quyền điều động:

Thẩm quyền điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ thuộc theo phân cấp quản lý. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định việc điều động thuộc thẩm quyền quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định. Theo đó:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ.

1.3. Trình tự, thủ tục điều động:

Khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên được phân công, phân cấp quản lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch có dự kiến điều động thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan cấp trên phải trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo, cấp ủy cơ quan, tổ chức tiếp nhận Chủ tịch, Phó Chủ tịch về dự kiến điều động và với tập thể lãnh đạo, cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi Chủ tịch, Phó Chủ tịch đang công tác về chủ trương điều động. Trước khi quyết định điều động công chức, người đứng đầu cơ quan được phân công, phân cấp quản lý công chức cần gặp gỡ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân để nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động để nghe những đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan cấp trên chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự và ra quyết định điều động theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

2. Cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân:

Khoản 9 Điều 7 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định như sau:

“Điều 7. Giải thích từ ngữ 

9. Cách chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.”

Cách chức được hiểu là việc người có thẩm quyền trong tổ chức, cơ quan đưa ra quyết định để cho người được bổ nhiệm giữ chức vụ nhất định nào đó thôi không giữ chức vụ đó nữa, còn được hiểu là mất chức. Người đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm cùng trách nhiệm được giao cho vị trí chức vụ đã từng được bổ nhiệm. Cách chức là một trong các chế tài kỳ luật tại cơ quan, tổ chức.

2.1. Lý do cách chức:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị cách chức do có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền tùy theo phân cấp quản lý.

Căn cứ Điều 12 Nghị đinh số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định hình thức kỳ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân bị cách chức khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch đã bị xử lý kỳ luật bằng hình thức giáng chức hoặc bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm; khi có hành vi vi phạm pháp luật lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ; khi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.

2.2. Thẩm quyền cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân:

Thẩm quyền cách chức Chủ tịch , Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ thuộc theo phân cấp quản lý. Theo đó:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ.

2.3. Trình tự, thủ tục cách chức:

Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất cách chức, thời điểm cách chức và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Sau đó, cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

3. Trách nhiệm của người được điều động, bị cách chức:

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được điều động hoặc bị cách chức có trách nhiệm sau:

- Chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kể từ ngày quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.

- Không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ ngày Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

4. Trách nhiệm của người ra quyết định điều đồng, cách chức:

Thủ tướng Chính phủ khi quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện khi quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thì đồng thời quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Việc điều động, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải được người ra quyết định điều động, cách chức thông báo cho Hội đồng nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân mới tại kỳ họp gần nhất.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày quy định về điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư