Tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

Bài viết trình bày về hoạt động tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với nhân dân

Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Phân theo đơn vị hành chính, có Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã là cấp chính quyền địa phương cấp cơ sở, gần dân nhất. Vậy việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với nhân dân được quy định như thế nào? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Điều 125 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với nhân dân như sau:

“Điều 125. Tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân

Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân ở địa phương về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương; trường hợp quy mô đơn vị hành chính cấp xã quá lớn, có thể tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo từng cụm thôn, tổ dân phố. Ủy ban nhân dân phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.”

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân ít nhất một lần một năm.

Người chủ trì trao đổi, đối thoại có trách nhiệm giải thích, trao đổi, tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân hoặc phân công lãnh đạo địa phương, đơn vị chuyên môn theo thẩm quyền trả lời ý kiến. Những vấn đề mà nhân dân có ý kiến tại hội nghị mà chưa được giải quyết, chủ trì có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, tiếp tục nghiên cứu tham mưu, giải quyết kịp thời và trả lời sớm nhất cho người dân. Đối với các nội dung phản ánh nằm ngoài thẩm quyền của địa phương, người chủ trì có trách nhiệm tiếp thu đầy đủ để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết và trả lời cho nhân dân theo quy định của Nhà nước.

2. Quyền của nhân dân:

Nhân dân tham gia trao đổi, đối thoại có quyền phản ánh, kiến nghị về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện vào hiện thực cuộc sống.

3. Mục đích của việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại:

Tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với nhân dân nhằm duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, giúp cho người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến phản ánh nguyện vọng, những vấn đề phức tạp và những vấn đề nhân dân quan tâm ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, xem xét, cho chủ trương, định hướng giải quyết những kiến nghị, đề nghị của nhân dân. Ngoài ra, để phổ biến, thông tin về những nội dung, vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn; giải thích cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách mới của Nhà nước; chủ trương của cấp ủy, quy định của chính quyền địa phương. Trao đổi những nội dung cần lấy ý kiến tham gia của nhân dân về những chủ trương, những vấn đề mới phát sinh. Thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; không ngừng tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

4. Yêu cầu của việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại:

Việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại phải đảm bảo dân chủ, khách quan, thông tin chính xác và đúng nội quy, quy chế đối thoại với nhân dân; thực hiện đúng quy định về việc giữ gìn bí mật an ninh quốc gia và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện.

5. Nội dung trao đổi, đối thoại:

Thông báo những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn mà dư luận xã hội, nhân dân đang quan tâm. Nghe ý kiến nhân dân phản ánh, trao đổi những vấn đề bức xúc nổi lên về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; định hướng, chủ trương giải quyết những kiến nghị, đề nghị của nhân dân.

6. Phương pháp trao đổi, đối thoại:

Trao đổi, đối thoại theo từng vấn đề, chủ đề và câu hỏi của nhân dân; gắn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với giải thích và trả lời nhân dân. Hạn chế việc trình bày một chiều, ưu tiên thời gian để nhân dân phát biểu ý kiến, người chủ trì đối thoại có thể hỏi lại nhân dân. Trong khi đối thoại, nếu có câu hỏi ngoài nội dung thì người chủ trì đối thoại vẫn tiếp nhận và trả lời riêng bằng văn bản. Đồng thời yêu cầu người đặt câu hỏi đi vào trọng tâm, chủ đề, nội dung của cuộc đối thoại.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày về tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư