Trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:45 (GMT+7)

Phiên họp Ủy ban nhân dân là hình thức hoạt động tập thể và chủ yếu nhất của Ủy ban nhân dân. Tại phiên họp, Ủy ban nhân dân biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Vậy ai có quyền chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân. Trách nhiệm của chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân được quy định như thế nào? Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này.

1. Chủ tọa phiên họp là gì?

Chủ tọa phiên họp là người chủ trì, điều khiển và giữ kỉ luật phiên họp đảm bảo thực hiện các quy định và chương trình của phiên họp.

2. Trách nhiệm của chủ tọa phiên họp:

Người chủ tọa phiên họp có những trách nhiệm sau:

-        Quán triệt, mục đích, nội dung chương trình, thời gian và lịch trình của cuộc họp;

-        Xác định thời gian tối đa cho mỗi người tham dự cuộc họp được trình bày ý kiến của mình một cách hợp lý;

-        Điều khiển cuộc họp theo đúng mục đích; yêu cầu đặt ra;

-        Có ý kiến kết luận cuộc họp, trước khi kết thúc cuộc họp;

-        Giao trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra văn bản thông báo kết quả cuộc họp đến những cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

3. Quy định về chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân:

Điều 115 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

Điều 115. Trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện chương trình phiên họp và những quy định về phiên họp. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công chủ tọa phiên họp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận từng nội dung trình tại phiên họp Ủy ban nhân dân.”

Theo quy định trên, chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân được quy định như sau:

a. Ai có quyền chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân?

Chủ tịch Ủy ban nhân dân là người đứng đầu Ủy ban nhân dân. Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có trách nhiệm chủ tọa các phiên họp Ủy ban nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công chủ tọa phiên họp.

b. Trách nhiệm của chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân:

Chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân điều khiển phiên họp phải đảm bảo hiện đúng những quy định của phiên họp. Chủ tọa phải bắt đầu và kết thúc phiên họp đúng ngày, đúng giờ. Chủ tọa cũng phải đảm bảo về hình thức phiên họp là họp trực tiếp hay họp trực tuyến. Chủ tọa phải điều khiển phiên họp theo đúng chương trình, các hoạt động tại phiên họp phải diễn ra theo đúng trình tự, hình thức làm việc trong kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận từng nội dung trình tại phiên họp Ủy ban nhân dân. Ủy ban nhân dân thảo luận từng vấn đề, dự án theo trình tự sau:

- Chủ đề án trình bày tóm tắt đề án (không trình bày toàn văn, trừ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng) và những vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban nhân dân, đề xuất những vấn đề Ủy ban nhân dân cần biểu quyết, thời gian trình bày tối đa không quá 20 phút.

- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân báo cáo tổng hợp của Văn phòng Ủy ban nhân dân và ý kiến thẩm tra về đề án, nêu rõ trình tự, thủ tục xây dựng đề án, sự phù hợp với quy định của pháp luật, ý kiến của các ngành, đơn vị liên quan, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và kiến nghị những vấn đề Ủy ban nhân dân cần thảo luận và thông qua.

- Các Thành viên Ủy ban nhân dân phát biểu ý kiến, nói rõ tán thành hay không tán thành từng vấn đề cụ thể trong đề án. Các đại biểu được mời dự họp được tham gia phát biểu ý kiến đánh giá, nhận xét về đề án. Thời gian một lần phát biểu không quá 10 phút.

- Thủ trưởng cơ quan chủ trì đề án phát biểu ý kiến tiếp thu, giải trình và trả lời, làm rõ những câu hỏi của các đại biểu dự hội nghị.

- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận đề án thuộc ngành, lĩnh vực được phân công. Chủ tịch Ủy ban nhân dân kết luận về đề án và lấy biểu quyết từng vấn đề bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp vấn đề thảo luận chưa đủ rõ, chủ tọa đề nghị Ủy ban nhân dân chưa biểu quyết và yêu cầu chủ đề án chuẩn bị thêm.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày về trách nhiệm của chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư