2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Vậy trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền như thế nào? Sau đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này.
Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản do mình trình. Ví dụ, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo xem xét, quyết định việc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo; trường hợp đặc biệt chưa thể trình dự án, dự thảo theo đúng tiến độ thì phải kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và nêu rõ lý do.
Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo. Ví dụ, đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình thì bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo tiến độ soạn thảo với Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến. Ví dụ, đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.
Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ, trong việc thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp thực hiện, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án, dự thảo đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành. Vì là cơ quan, người có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm ban hành những văn bản có chất lượng, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lợi ích của nhân dân và những người chịu tác động của văn bản.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải ban hành văn bản đúng thời hạn. Cơ quan, người có thẩm quyền nếu chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước thì phải chịu trách nhiệm.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải ban hành văn bản theo Hiến pháp và của cơ quan cấp trên. “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.” (Theo Điều 119 Hiến pháp năm 2013). Văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phải bảo đảm tuân thủ thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. Ở địa phương, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền ở trung ương như luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội,… và các văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp trên. Cơ quan, người có thẩm quyền nếu ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết thì đều phải chịu trách nhiệm.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.
Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh