Trình tự thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:43 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu nhất của Hội đồng nhân dân. Tất cả nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân sẽ được Hội đồng nhân dân biểu quyết và quyết định tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Vậy tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo được thông qua theo trình tự như thế nào? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Điều 85 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định như sau:

Điều 85. Trình tự thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân

1. Đại diện cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo thuyết trình trước Hội đồng nhân dân.

2. Đại diện Ban của Hội đồng nhân dân được giao thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo trình bày báo cáo thẩm tra.

3. Hội đồng nhân dân thảo luận. Trước khi thảo luận, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thể tổ chức thảo luận ở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể, chủ tọa có thể nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm.

5. Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo bằng cách biểu quyết từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ hoặc biểu quyết toàn bộ một lần.”

Theo quy định trên, ta thấy trình tự thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân bao gồm các bước sau:

1. Trình dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp có trách nhiệm trình dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo thuyết trình trước Hội đồng nhân dân.

2. Thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo:

Thẩm tra là đánh giá dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Đây là cơ sở giúp đại biểu Hội đồng nhân dân có thêm thông tin, thấy được những vấn đề cần tập trung thảo luận để quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng ở địa phương; thu, chi ngân sách; hoạt động giám sát…

Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm tra trước khi trình Hội đồng nhân dân.

Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra để thẩm tra. Hồ sơ gửi thẩm tra bao gồm:

  • Tờ trình Hội đồng nhân dân về dự thảo nghị quyết;
  • Dự thảo nghị quyết;
  • Báo cáo thẩm định và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân trình; ý kiến của Ủy ban nhân dân và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban nhân dân đối với dự thảo do Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trình;
  • Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này;
  • Tài liệu khác (nếu có).

Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn.

Nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề sau đây:

  • Sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này; nội dung của dự thảo nghị quyết và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau;
  • Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;
  • Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
  • Tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.

Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý của cơ quan chủ trì thẩm tra đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Báo cáo thẩm tra phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.

3. Thảo luận dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo:

Thảo luận nghị quyết là một giai đoạn bắt buộc trong quá trình ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân và được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Sau khi thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo, Hội đồng nhân dân tiến hành thảo luận về dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo đó. Trước khi thảo luận, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thể tổ chức thảo luận ở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hội đồng nhân dân đăng ký phát biểu và Chủ tọa phiên họp mời từng đại biểu phát biểu. Đại biểu Hội đồng nhân dân phát biểu tập trung vào vấn đề đang thảo luận, không phát biểu quá 02 lần về cùng một vấn đề; thời gian phát biểu không quá 10 phút. Trường hợp Hội đồng nhân dân cần thảo luận thêm thì thời gian và số lần phát biểu do Chủ tọa phiên họp quyết định. Chủ tọa kỳ họp hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân có thể đề nghị kết thúc việc thảo luận; khi vấn đề được nêu ra để lấy biểu quyết thì việc thảo luận kết thúc.

Trường hợp đại biểu HĐND tỉnh đã đăng ký mà chưa được phát biểu hoặc đã phát biểu nhưng chưa hết ý kiến do thời gian phát biểu đã hết thì ghi lại ý kiến của mình và gửi Thư ký kỳ họp để tổng hợp báo cáo Chủ tọa kỳ họp.

4. Trình bày ý kiến về dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo:

Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu về các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo và đưa ra ý kiến. Các ý kiến khác nhau của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được chủ tọa nêu ra trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể để Hội đồng nhân dân cùng xem xét, quyết định. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm.

5. Thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo:

Hình thức thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo: Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo.

Cách thức biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo: có 2 cách

  • Biểu quyết từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ;
  • Biểu quyết toàn bộ một lần.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã chỉ ra các quy định về trình tự thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư