Ai có quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:36 (GMT+7)

Bài viết trình bày về quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 420 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển được quy định như sau:

“Điều 420. Quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay để bảo đảm lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc người khác có quyền, lợi ích đối với tàu bay hoặc để thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp.”

Quy định về quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định về khái niệm “tàu bay” như sau: “Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.”

Tại Điều 13 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định: “Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển.

Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.”

Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự mà chủ sở hữu tàu bay, chủ nợ trong trường hợp tàu bay là tải sản đảm bảo, người bị thiệt hại do tàu bay gây ra hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đối với tàu bay, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại khởi kiện theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam thì những chủ thể này có quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu bay để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án. Cụ thể:

+ Bắt giữ tàu bay là việc không cho phép tàu bay di chuyển khỏi cảng hàng không, sân bay bằng quyết định của Tòa án ( khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Số: 11/2010/UBTVQH12 Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2010 về thủ tục bắt giữ tàu bay).

+ Chủ nợ là Người cho một cá nhân, tổ chức vay một món nợ bằng tiền hay hiện vật. Khi đến kỳ trả, chủ nợ có quyền đòi con nợ phải hoàn trả khoản tiền vay hoặc hiện vật vay, kèm theo lãi. Chủ nợ là người có quyền trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, cụ thể là hợp đồng cho vay.

+ Chủ sở hữu: Chủ thể là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với một tài sản, một khối tài sản được pháp luật thừa nhận. Mỗi chủ thể với tư cách là chủ sở hữu thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt khác nhau; có thể trực tiếp thực hiện toàn bộ các quyền năng của quyền sở hữu hoặc giao cho người khác thực hiện một số quyền năng nhất định của quyền sở hữu.

+ Người khác có quyền, lợi ích đối với tàu bay là người cho thuê tàu bay, người khai thác tàu bay hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đối với tàu bay theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam nhưng không phải là chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại. ( khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh Số: 11/2010/UBTVQH12 Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2010 về thủ tục bắt giữ tàu bay).

Về nguyên tắc trong quá trình thi hành án dân sự mà người phải thi hành phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền nhưng người phải thi hành không tự nguyện thực hiện và có tài sản để thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, trong đó có biện pháp kê biên phương tiện giao thông. Tuy nhiên đối với phương tiện giao thông là tàu bay, khi cơ quan thi hành án không thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản khác hoặc có biện pháp cưỡng chế khác để thi hành án hoặc người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản khác ở Việt Nam hoặc để thi hành bản án, quyết định thuộc trường hợp thi hành án ngay theo khoản 2 Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án là cá nhân , cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay để thi hành án.

 Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp. Cụ thể:

+ Bắt giữ tàu biển được hướng dẫn tại Điều 129 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017), theo đó: Bắt giữ tàu biển là việc không cho phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển tàu biển bằng quyết định của Tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự và thực hiện tương trợ tư pháp.

+ Khiếu nại hàng hải là việc một bên yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải.

+ Tương trợ tư pháp là: Việc giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp các nước về các vấn đề tư pháp và pháp luật trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế. Trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp sẽ giúp đỡ nhau trên cơ sở pháp luật mình phù hợp với thực tiễn tư pháp quốc tế về vấn đề này (chủ yếu là theo nguyên tắc có đi có lại).

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư