2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Căn cứ Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về áp dụng các quy định về thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau:
“Điều 357. Áp dụng các quy định về thủ tục giám đốc thẩm
Các quy định khác về thủ tục tái thẩm được thực hiện như các quy định của Bộ luật này về thủ tục giám đốc thẩm.”
Thủ tục tái thẩm và thủ tục giám đốc thẩm là hai thủ tục tố tụng độc lập của tố tụng dân sự. Hai thủ tục này có những vấn đề giống nhau cơ bản là cùng xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; đảm bảo cho bản án, quyết định hợp pháp và có căn cứ. Do đó, đối với những vấn đề mà Chương XXI BLTTDS 2015 về thủ tục tái thẩm không có quy định cụ thể thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các quy định tương ứng của BLTTDS về thủ tục giám đốc thẩm, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, về thẩm quyền tái thẩm:
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị:
+ Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm;
+ Toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao sẽ là chủ thể xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử tái thẩm.
- Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị như sau:
+ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm;
+ Toàn thể Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ là chủ thể xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử tái thẩm.
Đặc biệt, những vụ án có tính chất phức tạp quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 337 BLTTDS 2015 là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
+ Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;
+ Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Nếu trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền tái thẩm toàn bộ vụ án.
- Thứ hai, về những người tham gia phiên tòa tái thẩm
Phiên tòa tái thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa tái thẩm; nếu họ vắng mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vẫn tiến hành phiên tòa.
- Thứ ba, thời hạn mở phiên tòa tái thẩm
Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền tái thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục tái thẩm.
- Thứ tư, chuẩn bị phiên tòa tái thẩm
Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi cho các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa tái thẩm.
- Thứ năm, Thủ tục xét xử tại phiên tòa tái thẩm
Sau khi chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng xét xử tái thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị.
Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa tái thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng tái thẩm yêu cầu. Trường hợp họ vắng mặt nhưng có văn bản trình bày ý kiến thì Hội đồng xét xử tái thẩm công bố ý kiến của họ.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.
Các thành viên Hội đồng xét xử tái thẩm phát biểu ý kiến và thảo luận. Hội đồng xét xử tái thẩm nghị án và biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố nội dung quyết định về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa. Việc nghị án phải được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 264 của BLTTDS 2015. Trường hợp Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 337 của BLTTDS 2015 thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.
Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 337 của BLTTDS 2015 thì phiên tòa xét xử của toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 337 của BLTTDS 2015 thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.
Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 337 của BLTTDS 2015 thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
- Thứ sáu, Phạm vi tái thẩm
+ Hội đồng xét xử tái thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.
+ Hội đồng xét xử tái thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.
- Thứ bảy, Quyết định tái thẩm, Hiệu lực của quyết định tái thẩm
Hội đồng xét xử tái thẩm ra quyết định nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyết định tái thẩm phải có các nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên tòa tái thẩm;
+ Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử tái thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử tái thẩm là Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ, tên, chức vụ của chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;
+ Họ, tên Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa tái thẩm;
+ Tên vụ án mà Hội đồng đưa ra xét xử tái thẩm;
+ Tên, địa chỉ của các đương sự trong vụ án;
+ Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
+ Quyết định kháng nghị, lý do kháng nghị;
+ Nhận định của Hội đồng xét xử tái thẩm, trong đó phải phân tích quan điểm về việc giải quyết vụ án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị;
+ Điểm, khoản, điều của Bộ luật tố tụng dân sự, văn bản quy phạm pháp luật khác mà Hội đồng xét xử tái thẩm căn cứ để ra quyết định;
+ Quyết định của Hội đồng xét xử tái thẩm.
Quyết định của Hội đồng xét xử tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên nhân, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng (nếu có).
Quyết định tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng tái thẩm ra quyết định.
- Cuối cùng, Gửi quyết định tái thẩm
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng xét xử tái thẩm phải gửi quyết định tái thẩm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây:
+ Đương sự, người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quyết định giám tái thẩm;
+ Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
+ Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Quyết định tái thẩm được Tòa án có thẩm quyền tái thẩm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ quyết định có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 109 của BLTTDS 2015.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh