Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:49 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong hoạt động TTDS.

Trong hoạt động tố tụng, quá trình tố tụng dân sự được phân chia thành nhiều giai đoạn khác nhau và tương ứng với mỗi giai đoạn là các cơ quan được pháp luật giao tiến hành một số hoạt động tố tụng trong giai đoạn đó; các cơ quan này được gọi là Cơ quan tiến hành tố tụng. Và những người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng ở các cơ quan đó là những người tiến hành tố tụng.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được quy định như sau:

“Điều 46. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự gồm có:

a) Tòa án;

b) Viện kiểm sát.

2. Những người tiến hành tố tụng dân sự gồm có:

a) Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”

2. Cơ quan tiến hành tố tụng.

BLTTDS 2015 quy định Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) gồm có: Tòa án; Viện kiểm sát. Đây là những cơ quan nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước, có nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà nước phân công và chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Hệ quả của việc sử dụng quyền lực của nhà nước, của việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà Nhà nước giao trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự có quyền ban hành các quyết định dựa trên quyền lực của Nhà nước, các quyết định đó được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự chủ động sử dụng quyền lực của nhà nước để giải quyết vụ việc dân sự nhưng vì vụ việc dân sự chỉ phát sinh từ các hành vi tranh chấp, mâu thuẫn hoặc vi phạm các quyền, lợi ích dân sự của nhau chứ không phải là các hành vi phạm tội nên mặc dù có sử dụng quyền lực nhà nước nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn ưu tiên, tôn trọng quyền thỏa thuận, quyền tự định đoạt của đương sự.

a) Tòa án

Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp theo quy định tại Điều 2 Luật tổ chức TAND 2014:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.”

Hệ thống Tòa án gồm:

- Tòa án nhân dân tối cao

-Tòa án nhân dân cấp cao

-Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

-Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh

-Tòa án quân sự.

Như vậy, qua đây chúng ta có thể xác định được nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của Tòa án trong tố tụng dân sự (TTDS) đó là tiến hành quá trình tiến hành tố tụng để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật từ khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự cho đến khi tuyên bố xong bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự.

b) Viện kiểm sát

Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

“1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

4. Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

5. Viện kiểm sát quân sự các cấp.”

Viện kiểm sát nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.  Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định tại Điều 2, 3, 4 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.

Và khác với Tòa án trực tiếp tiến hành quy trình tố tụng để giải quyết vụ việc dân sự, Viện kiểm sát trong TTDS thực hiện thẩm quyền đặc biệt do Nhà nước giao là quyền kiểm sát các hoạt động giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án để bảo đảm các hoạt động giải quyết đó đúng pháp luật.

3. Người tiến hành tố tụng

Người tiến hành tố tụng dân sự là người của cơ quan tiến hành TTDS, là người của Nhà nước, có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải quyết vụ việc dân sự. Theo khoản 2 Điều 46 BLTTDS 2015, người tiến hành tố tụng bao gồm:

a) Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng chủ thể này được quy định tương đối cụ thể bởi các Điều luật riêng quy định trong BLTTDS 2015.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư