Công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:33 (GMT+7)

Bài viết trình bày về công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 385 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú được quy định như sau:

“Điều 385. Công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú

1. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

2. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu.”

Quy định về việc công bố thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.

Theo Luật cư trú 2020, nơi cư trú của công dân là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã). Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

+ Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú;

+ Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Theo quy định của BLTTDS 2015 thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú khi người đó biệt tích 06 tháng liền trở lên, đồng thời có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt đó theo quy định của Bộ luật dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh là người bị yêu cầu biệt tích 06 tháng liền trở lên; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt thì phải cung cấp tài liệu, chứng cứ về tình hình tài sản của người đó, việc quản lý tài sản hiện có và danh sách những người thân thích của người đó.

Sau khi có đơn yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, qua quá trình nghiên cứu xem xét Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải có các nội dung chính sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra thông báo.

+ Tên Tòa án ra thông báo.

+ Số và ngày, tháng, năm của quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú.

+ Tên, địa chỉ của người yêu cầu Tòa án thông báo.

+ Họ, tên và ngày, tháng, năm sinh hoặc tuổi của người cần tìm kiếm và địa chỉ cư trú của người đó trước khi biệt tích.

+ Địa chỉ liên hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu người cần tìm kiếm biết được thông báo hoặc người khác có được tin tức về người cần tìm kiếm.

Sau khi Tòa án ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì thông báo đó phải được công bố công khai trên phạm vi rộng để nhiều người được biết. Điều luật trên quy định về phương thức công bố thông báo tìm kiếm trên vắng mặt đó là đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong 3 số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Như vậy, việc thông báo tìm kiếm vắng mặt được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương. Mục đích là nhằm phát tán thông tin tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú trên phạm vi rộng, trên phạm vi cả nước, để người được tìm kiếm hoặc người biết thông tin về người đó có thể biết rằng mình đang được tìm kiếm và liên lạc với người yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đó.

Điều luật quy định chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu. Theo đó, tại Điều 381 BLTTDS 2015 quy định: “Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt” Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư