2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Căn cứ Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được quy định như sau:
“Điều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.”
Một trong những nguyên tắc của luật Tố tụng dân sự là tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự được quy định tại điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”
Xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự là tự do thỏa thuận, theo đó các bên bình đẳng với nhau, được tự do cam kết, xác lập thỏa thuận các quyền, nghĩa vụ dân sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Hòa giải là một thủ tục có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và phải do chính các đương sự thực hiện bởi các đương sự là những người có quyền lợi đang bị xâm hại hoặc tranh chấp. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (quyết định này phù hợp do các bên đã có thời gian để suy nghĩ về thỏa thuận này, do các bên tự nguyện quyết định). Quyết định này cũng mang tính cưỡng chế nhà nước. Nếu một bên không thực hiện thỏa thuận thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc thực hiện thỏa thuận.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Điều 123 BLDS năm 2015 quy định: “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”
Và tại khoản 2 Điều 205 BLTTDS 2015 quy định khi tiến hành hòa giải Tòa án phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự và nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Đây chính là hai trong số ba điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 BLDS năm 2015, bởi lẽ suy cho cùng hòa giải là do chính các đương sự thỏa thuận và thực hiện. Vì thế, việc các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án cũng tương đồng với việc các chủ thể đang thỏa thuận trong giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, để thỏa thuận có hiệu lực thì phải tuân theo các quy định của pháp luật, điều này được quy định cụ thể trong BLDS năm 2015.
Nội dung thỏa thuận của các đương sự không vi phạm điều cấm của luật có thể được hiểu là: Khi tiến hành thỏa thuận giải quyết nội dung vụ án đương sự không được quyền thỏa thuận những nội dung mà luật không cho phép đương sự thỏa thuận hay nói cách khác là những nội dung mà điều luật cấm.
Do đó, mọi thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật đều không được thừa nhận, không có giá trị pháp lý. Mặc dù pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền tự do thỏa thuận của mỗi cá nhân, tổ chức nhưng nếu thỏa thuận này vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, cũng đồng nghĩa với việc thỏa thuận của các bên đang xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người thứ ba và của cộng đồng xã hội thì nội dung thỏa thuận đó sẽ không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận.
Nếu giao dịch vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội đã vô hiệu ngay từ khi giao kết. Các bên tham gia giao dịch không thể thỏa thuận để giải quyết hành vi trái pháp luật của mình. Ví dụ, trường hợp kiện đòi tài sản vay là Đôla Mỹ, kiện đòi tiền nợ do sinh con thuê… Tuy nhiên, thực tiễn nhiều giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật do những nguyên nhân khách quan nên khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xem xét thận trọng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Khi giải quyết loại vụ án này, Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh