Những yêu cầu nào về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:49 (GMT+7)

Bài viết trình bày những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định như sau:

“Điều 33. Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

2. Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

3. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

4. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài.

5. Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

2. Quy định của BLTTDS 2015 về những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Các quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với những yêu cầu về lao động theo Điều 33 BLTTDS 2015 được xây dựng trên cơ sở xác định những loại việc phát sinh từ quan hệ pháp luật lao động và tính không tranh chấp của vụ việc. Điều Luật được thiết lập theo hướng liệt kê những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án và thiết lập cuối cùng trong điều luật về việc Tòa án còn có thẩm quyền đối với các yêu cầu khác về lao động theo quy định của pháp luật. Tựu chung lại Điều luật này xác định những yêu cầu về lao động (không có tranh chấp) phát sinh từ các quan hệ pháp luật về lao động được giải quyết tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Về các yêu cầu lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm:

 Thứ nhất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Theo Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây: Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật; Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực trong giao kết hợp đồng lao động; Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm; Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Thoả ước lao động tập thể vô hiệu được hiểu là thỏa ước lao động tập thể có một, một số nội dung hoặc toàn bộ nội dung trái pháp luật hoặc không bảo đảm các điều kiện của pháp luật.

Thứ hai, yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Tòa án xét tính hợp pháp của một cuộc đình công trong trường hợp có tranh chấp mà hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải là 05 ngày làm việc mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải; Hai bên không đồng ý với kết quả hòa giải của Hòa giải viên, tranh chấp sẽ được gửi cho Ban trọng tài lao động, nếu Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Thứ ba, yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

 Thứ tư, yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài;

Thứ năm, các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật có quy định đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Tòa án có thẩm quyền theo cấp xét xử giải quyết các yêu cầu về lao động được thực hiện theo quy định của BLTTDS.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư