Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa được pháp luật quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:07 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 247 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa được quy định như sau:

“Điều 247. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa

1. Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án.

2. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

3. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự.”

Quy định của BLTTDS 2015 về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa.

Tranh tụng là tranh luận trong tố tụng. Còn tranh luận được hiểu là: “bàn cãi tìm ra lẽ phải”; là một phần tố tụng của phiên tòa, được tiến hành sau khi kết thúc phần xét hỏi.

Tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động tố tụng của Tòa án được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định đối với các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013, được cụ thể hóa tại Điều 24 BLTTDS 2015 thể hiện tính tiếp thu chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhằm bảo đảm dân sự, bình đẳng, công khai, minh bạch.

“Điều 24. Bảo đảm tranh tụng trong xét xử

1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.”

Chủ thể tranh tụng trong tố tụng dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Căn cứ vào lợi ích, có thể chia các đương sự thành hai bên là bên khởi kiện và bên bị kiện. Bên khởi kiện là nguyên đơn dân sự còn bên bị kiện là bị đơn dân sự. Tùy từng vụ án dân sự cụ thể mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được coi là đương sự thuộc bên khởi kiện hoặc bên bị kiện. Bên khởi kiện và bên bị kiện bình đẳng trước Tòa án trong việc đưa ra chứng cứ và thể hiện sự đánh giá của mình về các chứng cứ trong vụ án cũng như quan điểm giải quyết vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 BLTTDS, thì những người sau đây được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an. Vì các bên tham gia tranh tụng trong tố tụng dân sự là những đương sự trong vụ án dân sự, trong rất nhiều trường hợp họ là những người không am hiểu nhiều về pháp luật do vậy chất lượng tranh tụng sẽ rất cao khi các bên đương sự có người bảo vệ quyền và lợi ích của mình tham gia tố tụng.

Bản chất của tranh luận trong tố tụng dân sự là sự thể hiện chính kiến của từng bên đương sự về việc giải quyết vụ án dân sự dựa trên những chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Vì vậy, tranh tụng có những nội dung sau đây:

- Thứ nhất là, cung cấp chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ mới bằng cách: chủ động cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thu thập được , triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá.

- Thứ hai là, đánh giá chứng cứ và thể hiện quan điểm về việc giải quyết vụ án dân sự tại phiên hòa giải do Tòa án thực hiện trước khi mở phiên tòa xét xử.

 - Thứ ba là, thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa. Xét hỏi tại phiên tòa thực chất là cuộc điều tra chính thức, công khai tại phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, các bên tham gia tố tụng đều có quyền điều tra dưới sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, xem xét chứng cứ, tài liệu. Việc xét hỏi này chỉ kết thúc khi Tòa án thấy rằng thông qua xét hỏi một cách khách quan, các tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ án đã được làm rõ.

- Thứ tư là, phát biểu ý kiến về đánh giá chứng cứ. Qua việc điều tra chính thức, công khai tại phiên tòa, mỗi bên tham gia tố tụng đều có cách nhìn nhận, đánh giá của mình về kết quả chứng minh. Để thực hiện chức năng tố tụng, nhiệm vụ tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên tham gia tố tụng phải công khai đưa ra ý kiến đánh giá của mình về sự thật khách quan của vụ án để giúp cho Tòa án cân nhắc khi ra phán quyết. Các đánh giá khác nhau, phản biện nhau của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa sẽ giúp cho Tòa án khách quan hơn, toàn diện hơn, thận trọng hơn khi đánh giá để ra phán quyết.

- Thứ năm là, phát biểu ý kiến về pháp luật áp dụng. Thực tiễn cho thấy rằng, do nhiều lý do khác nhau như kỹ thuật lập pháp chưa tốt, quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, trình độ nhận thức pháp luật chưa tốt mà pháp luật được nhận thức rất khác nhau trong hoạt động tố tụng. Vì vậy, nội dung của tranh tụng trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa bao gồm việc các bên tham gia tố tụng đề nghị áp dụng luật để bảo vệ quan điểm của mình trong giải quyết vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

- Thứ sáu là, đề nghị biện pháp giải quyết vụ án liên quan đến quyền và lợi ích liên quan. Mỗi bên tham gia tố tụng đều nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nội dung không thể thiếu trong tranh tụng là các bên đề xuất ý kiến và lập luận trên cơ sở chứng cứ, quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích đó. Tùy theo tư cách tố tụng của mình mà phạm vi xét hỏi, tranh luận, đề xuất ý kiến của mỗi người tham gia tố tụng cũng có khác nhau như nguyên đơn dân sự đòi hỏi việc bồi thường, bị đơn dân sự bác bỏ hoặc giảm mức bồi thường.

Pháp luật quy định, việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa và Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư