Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:55 (GMT+7)

Bài viết trình bày về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của BLTTDS.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định như sau:

“Điều 111. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

3. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này.”

Quy định của BLTTDS 2015 về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp do Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời rất đa dạng, được sử dụng tương ứng với các tranh chấp dân sự. Có thể là những biện pháp về tài sản, cũng có thể là những biện pháp liên quan đến các quyền và lợi ích phi tài sản của cá nhân, tổ chức trong quan hệ tranh chấp dân sự.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được thực hiện bởi Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử tư pháp thực hành công lý, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng một hay một số biện pháp biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn những hậu quả bất lợi cho công tác giải quyết các tranh chấp dân sự cũng như công tác thi hành án.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được áp dụng tạm thời để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa giải quyết và cần phải giải quyết ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm của đương sự; để bảo vệ chứng cứ trong trường hợp chứng cứ bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; để bảo toàn tình trạng hiện có gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ đối tượng hiện có liên quan đến vụ án  đang được Tòa án giải quyết, để bảo đảm việc thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

Trong quá trình giải quyết vụ án, những người có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm: đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan về dân số Gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân gia đình trong trường hợp do Luật Hôn nhân gia đình quy định, công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cả tập thể người lao động do pháp luật quy định.

Việc nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng có thể được thực hiện ngay cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Trong trường hợp do tình thế cấp thiết cần phải bảo vệ ngay bằng chứng trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được việc yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được thực hiện ngay khi nộp đơn kiện.Khi đó, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện.

Về nguyên tắc, Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có đơn yêu cầu của người có quyền đưa ra yêu cầu. Song trong một số trường hợp Tòa án có thể tự mình quyết định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đương sự không yêu cầu. Quy định này nhằm bảo vệ ở mức cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án được tự mình ra quyết định áp dụng trong trường hợp này là: Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục;  Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

Ví dụ: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng” quy định tại khoản 2 Điều 114 BLTTDS 2015 khi có đủ các điều kiện:

+ Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng;

+ Xét thấy yêu cầu cấp dưỡng là có căn cứ;

+ Nếu không buộc thực hiện ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư