Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:40 (GMT+7)

Bài viết trình bày về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

“Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

2. Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định của Chương này, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của Bộ luật này để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.”

Quy định về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền là quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề.

+ Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

+ Vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định thì cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thường liên quan tới nhiều quốc gia, do đó, quan hệ dân sự hoàn toàn có khả năng thuộc thẩm quyền tài phán của hai hay nhiều quốc gia. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài phải căn cứ vào hệ thống pháp luật tư pháp quốc tế của nước đó, bao gồm hệ thống pháp luật quốc gia (các quy phạm xung đột) và các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên.

Việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam trước hết phải dựa vào điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Đối với các nước đã có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, thẩm quyền của Tòa án được xác định theo các quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp đó. Đối với nước chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, việc xác định thẩm quyền của Tòa án phải tuân theo quy định tại Chương III (Thẩm quyền của Tòa án) BLTTDS. Kết cấu của Chương III bao gồm Mục 1: Các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Mục 2: Thẩm quyền của Tòa án các cấp. Đây là các quy định về thẩm quyền chung của Tòa án theo vụ việc và theo phân cấp, theo đó thẩm quyền của Tòa án Việt Nam được xác định dựa trên những nguyên tắc nhất định đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận như hệ thuộc nơi cư trú bị đơn, hệ thuộc nơi có bất động sản. Các quy định tại chương III đã mở rộng gần như tối đa thẩm quyền tài phán của Tòa án Việt Nam.

 Theo đó, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

Theo nguyên tắc cư trú, vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam nếu bị đơn là công dân nước ngoài, người không có quốc tịch làm ăn sinh sống tại Việt Nam. Xét về nghĩa, công dân nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài.

Và có thể hiểu người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Việc thường trú này phải đăng ký và do Cục quản lý xuất, nhập cảnh cấp thẻ thường trú.

- Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

Việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự theo tiêu chí quốc tịch của bị đơn là nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

- Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

Ngoài nguyên tắc cư trú, thẩm quyền tài phán của Tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự mà bị đơn, là công dân nước ngoài, người không có quốc tịch còn được xác định dựa theo nguyên tắc nơi có tài sản, theo đó, Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết nếu bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch có tài sản tại Việt Nam. Việc xác định thẩm quyền tài phán của Tòa án căn cứ vào nơi có tài sản là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Nguyên đơn hoàn toàn có quyền yêu cầu bất kỳ 1 Tòa án nào giải quyết nếu có tài sản tại quốc gia đó, không kể tài sản đó là động sản hay bất động sản, có liên quan hay không liên quan đến tranh chấp. Nguyên tắc này được áp dụng triệt để trong các tranh chấp dân sự mà tài sản là bất động sản. Như vậy, đối với các tranh chấp dân sự mà bị đơn là người nước ngoài có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam thì thuộc thẩm quyền tài phán của Tòa án Việt Nam.

- Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư