Thời hạn tố tụng là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:02 (GMT+7)

Bài viết trình bày về thời hạn tố tụng theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 182 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về thời hạn tố tụng được quy định như sau:

“Điều 182. Thời hạn tố tụng

1. Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật này quy định.

2. Thời hạn tố tụng có thể được xác định bằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.”

Quy định của BLTTDS 2015 về thời hạn tố tụng.

- Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tháng, năm hoặc bằng 1 sự kiện có thể xảy ra. Thời hạn được tính theo dương lịch hoặc theo thỏa thuận khác.

- Khoảng thời gian nhất định để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những cá nhân, cơ quan tổ chức liên quan thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp cũng như trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vụ việc dân sự được gọi là thời hạn tố tụng.

Có thể liệt kê một số thời hạn tố tụng được nêu trong BLTTDS như: thời hạn xem xét đơn khởi kiện, thời hạn cấp, tống đạt hoặc thông báo các văn bản tố tụng, thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn giám đốc thẩm, thời hạn tái thẩm, thời hạn khiếu nại, thời hạn kháng cáo, thời hạn kháng nghị. Thời hạn tố tụng có thể được ấn định bởi cơ quan, người tiến hành tố tụng như thời hạn giao nộp chứng cứ, thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

Quy định thời hạn tố tụng cụ thể có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao và xác định trách nhiệm của các bên trong hoạt động tố tụng cũng như giúp các vụ việc được giải quyết nhanh chóng, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.

Theo quy định của BLTTDS, thời hạn tố tụng có thể được xác định bằng giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra. Với cách xác định theo giờ, ngày, tháng năm hoặc bằng một sự việc cụ thể được dự đoán sẽ xảy ra trong tương lai.

Điều 146 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:

– Một năm là ba trăm sáu mươi năm ngày.

– Nửa năm là sáu tháng.

– Một tháng là ba mươi ngày.

– Nửa tháng là mười năm ngày.

– Một tuần là bảy ngày.

– Một ngày là hai mươi tư giờ.

– Một giờ là sáu mươi phút.

– Một phút là sáu mươi giây.

Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm là đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được xác định như sau :

– Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng.

– Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng.

– Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.

Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau :

– Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng Một.

– Giữa năm là ngày thứ mười năm của tháng Sáu.

– Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng Mười hai.

Điều 148 BLDS năm 2015 quy định kết thúc thời hạn như sau :

– Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.

– Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.

– Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.

– Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.

– Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

– Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó. Thời hạn tố tụng trong BLTTDS thường xác định thời điểm bắt đầu bằng một sự kiện và thời điểm kết thúc được tính bằng ngày, tháng năm.

Và BLTTDS năm 2015 quy định các thời hạn sau đây:

a. Thời hạn nhận và xử lý đơn khởi kiện

Theo Điều 191 BLTTDS năm 2015:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

b. Thời hạn giải quyết khiếu nại về việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện

Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định: Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp để giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trong trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, căn cứ kết quả phiên họp Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp; Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp quy định tại khoản 6 Điều này có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc với Chánh án TANDTC nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TANDCC.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.

c. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:

Thẩm phán thụ lý vụ án sau khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo. Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:

Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 26 và Điều 28 và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 30 và Điều 32.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn phiên tòa đối với trường hợp do pháp luật quy định. Thời hạn hoãn phiên tòa quy định tại Điều 233 BLTTDS năm 2015 là “không quá 01 tháng đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn và không quá 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa”.

d. Các thời hạn giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm:

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Thời hạn kháng cáo. Điều 273 BLTTDS năm 2015 quy định: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Điều 286 BLTTDS năm 2015 quy định: Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

e. Các thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm:

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định của pháp luật.

Thời hạn yêu cầu kháng nghị của đương sự: Điều 321 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Điều 334 BLTTDS năm 2015 quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.. trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị: Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm. Điều 339 BLTTDS năm 2015 quy định: ” Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án”.

g. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án dân sự:

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Điều 355 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật này”.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư