Tuân thủ pháp luật về phân công Thẩm phán giải quyết vụ án dân sự?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án dân sự theo quy định của pháp luật.

Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án hay còn gọi là phân công án là khâu quan trọng trong quá trình xét xử vụ án dân sự, ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập trong xét xử, tính hiệu quả trong hoạt động của Tòa án. Đây là một việc tưởng như bình thường không có gì phải bàn những ẩn chứa những vấn đề ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán và kết quả của hoạt động xét xử. Thủ tục phân công giải quyết vụ việc cho Thẩm phán luôn liên quan chặt chẽ với các giá trị quan trọng như tính độc lập và vô tư, minh bạch, hiệu quả, linh hoạt, phân bổ công bằng vụ việc phải thụ lý và chất lượng trong việc ra quyết định xét xử.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 197 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về phân công Thẩm phán giải quyết vụ án được quy định như sau:

“Điều 197. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án

1. Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục tiến hành được nhiệm vụ thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác tiếp tục nhiệm vụ; trường hợp đang xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu và Tòa án phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.”

Quy trình, thủ tục phân công Thẩm phán giải quyết vụ án dân sự.

Thẩm phán là người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, Thẩm phán có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Việc giao vụ án cho Thẩm phán giải quyết vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án đã thụ lý vụ án. Theo quy định của BLTTDS 2015: Trên cơ sở báo cáo thụ lý vụ án của Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên ở đây có thể hiểu Thẩm phán được phân công dựa trên sự quyết định của Chánh án Tòa án phải có sự vô tư, không mang tính chủ quan, áp đặt, khách quan và ngẫu nhiên để nhằm bảo đảm tính độc lập trong việc giải quyết vụ án, không chịu sự ràng buộc của lãnh đạo cơ quan hạn chế áp đặt đường lối giải quyết vụ án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của BLTTDS 2015.

Việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án xác lập tư cách tiến hành tố tụng của một Thẩm phán trong một vụ án dân sự cụ thể với các quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng được BLTTDS quy định. Một Thẩm phán được phân công nhiệm vụ giải quyết vụ án được hiểu là Thẩm phán đó có nhiệm vụ giải quyết vụ án từ khi có quyết định phân công giải quyết vụ án cho đến khi vụ án dân sự kết thúc trừ trường hợp phải thay đổi Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này. Kể từ khi được phân công giải quyết vụ án. Thẩm phán được ký một số văn bản tố tụng thuộc thẩm quyền của Thẩm phán quy định tại Điều 48 BLTTDS 2015, cụ thể:

“Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán

Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

2. Lập hồ sơ vụ việc dân sự.

3. Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

4. Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

5. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết.

6. Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

7. Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này.

8. Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết.

9. Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp.

10. Chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự.

11. Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

12. Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này.

13. Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.

14. Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”

Điều luật quy định cho phép Chánh án Tòa án có quyền quyết định thay đổi Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc thay đổi này được thực hiện khi Thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án vì các lý do khác nhau không thể tiếp tục nhiệm vụ như thuộc các trường hợp không được tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 53 BLTTDS 2015 cụ thể: Thẩm phán, phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây: Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của BLTTDS; Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng; Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Hay vì lý do sức khỏe, các lý do bất khả kháng khác. Trong trường hợp nếu phiên tòa đang được thực hiện có lý do để thay đổi Thẩm phán thì Thẩm phán dự khuyết tiếp tục chủ tọa phiên tòa. Nếu không có Thẩm phán dự khuyết thì Thẩm phán thay thế bắt đầu phiên tòa từ đầu và Tòa án phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Ngoài ra, việc  phân công thẩm phán giải quyết vụ án dân sự cụ thể tại Điều 11 nghị quyết Số: 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định như sau:

“Điều 11. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án

1. Chánh án Toà án cấp huyện có thể tự mình hoặc uỷ nhiệm cho một Phó Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Chánh án Toà án cấp tỉnh có thể uỷ nhiệm cho một Phó Chánh án hoặc uỷ quyền cho Chánh toà hoặc Phó Chánh toà phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

2. Khi phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, thì cần tiếp tục phân công Thẩm phán đã thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án. Việc phân công này không phải ra quyết định.

3. Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài, thì cần phân công thêm Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử liên tục.”

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư