Xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:41 (GMT+7)

Bài viết trình bày về việc xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 490 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án được quy định như sau:

“Điều 490. Xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án

1. Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.

3. Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.”

Quy định về việc xử lý hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án

Để giải quyết được vụ việc dân sự, Tòa án ngoài việc phải triệu tập đương sự đến Tòa án thì còn phải triệu tập những người tham gia tố tụng khác có vai trò hỗ trợ cho việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án, đó là người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Việc những người này không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc dân sự, thậm chí là không giải quyết được vụ việc dân sự. Vì vậy, để đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự, Điều 490 BLTTDS 2015 đã quy định về việc xử lý cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án của những người này.

Hành vi cố ý có thể hiểu là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình là sai, nhưng vẫn mong muốn, cố ý để hậu quả xảy ra.

Theo đó, người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng; Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch. Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của BLTTDS 2015 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Khoản 2 Điều 490 BLTTDS 2015 tiếp tục ghi nhận biện pháp dẫn giải đối với trường hợp người làm chứng cố tình không đến phiên tòa, phiên họp trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Để bảo đảm cho việc dẫn giải được tiến hành thuận lợi, đúng pháp luật, việc dẫn giải phải ra quyết định, quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định hay họ tên, ngày tháng, năm sinh nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt. Vì biện pháp dẫn giải này phần nào thể hiện tính cưỡng chế nên chỉ áp dụng biện pháp này khi người làm chứng được triệu tập mà cố tình không đến mà không có lý do chính đáng. Lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh….. Vì vậy, việc không có mặt họ gây cản trở, trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc. Mặt khác, biện pháp dẫn giải là do Tòa án ra quyết định áp dụng nhưng việc dẫn giải phải do cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Đặc biệt, do người bị dẫn giải chỉ bị xác định là có hành vi cản trở việc giải quyết vụ việc dân sự chứ không phải hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm nên người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư