Pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp ?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:04 (GMT+7)

Bài viết trình bày về bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp.

Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em đóng vai trò quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội.

Khái quát về bảo vệ trẻ em.

Trẻ em là đối đượng dễ bị dụ dỗ, xâm hại bởi xuất phát từ độ tuổi và khả năng nhận thức còn kém. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm quan trọng của toàn thể xã hội. Chính vì vậy, pháp luật quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em nhằm đảm bảo trẻ em được sống an toàn, lành mạnh và phát triển tốt nhất.

Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ: phòng ngừa; hỗ trợ và can thiệp.

Những quy định về bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp.

Vấn đề bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp được quy định cụ thể theo Điều 50 Luật trẻ em 2016 như sau:

Về khái niệm.

Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Về các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp.

Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm 8 biện pháp sau:

Thứ nhất: Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần. Đây là các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị các rối loạn tâm thần cho trẻ em, bảo đảm phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Thứ hai: Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Có thể thấy những hành vi này gây nguy hại lớn cho trẻ em. Vì vậy cần thực hiện biện pháp bảo vệ can thiệp nhằm đưa trẻ em ra khỏi môi trường xấu đối bảo đảm sự an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Thứ ba: Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định.

Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Thứ tư: Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

Trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bị thiệt thòi, tổn hại về cả thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, cần nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục của gia đình và xã hội. Pháp luật bảo đảm việc trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi sẽ được đoàn tụ với gia đình, được học tập, được vui chơi, giải trí và phát triển toàn diện.

Thứ năm: Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

Pháp luật quy định các biện pháp can thiệp trong việc tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có trách nhiệm và dùng các biện pháp, kỹ năng bảo vệ nhằm đảm bảo trẻ em được chăm sóc, giáo dục hòa nhập sau khi bị xâm hại.

Thứ sáu: Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

Bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp cần đẩy mạnh những biện pháp tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý nhằm bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng cho trẻ em khi bị xâm hại.

Thứ bảy: Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định.

Ngoài việc can thiệp để bảo vệ trẻ em tách khỏi những xâm hại đang diễn ra, pháp luật quy định sự can thiệp để bảo vệ trẻ em còn có sự hỗ trợ sau khi trẻ em bị xâm hại. Theo đó, trẻ em sẽ được Nhà nước hỗ trợ quay trở lại với môi trường sống an toàn, lành mạnh đảm bảo trẻ em được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển.

Cuối cùng: Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Trẻ em là đối tượng dễ bị dụ dỗ và xâm hại, nên Nhà nước cần can thiệp và theo dõi sát sao để đánh giá mức độ an toàn của các biện pháp bảo vệ trẻ em. Không chủ qua, lơ là bởi lẽ trẻ em có thể bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại bất cứ lúc nào.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật trẻ em.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư