Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:08 (GMT+7)

Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em đóng vai trò quan trọng, là nền móng cho sự phát triển của đất nước và cần được quan tâm, chăm sóc, giáo dục của toàn thể xã hội. Chính vì vậy, pháp luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Trong đó có trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Khái quát chung.

Quyền trẻ em là tất cả những quyền để trẻ em được sống, phát triển lành mạnh và an toàn được ghi nhận, bảo đảm bằng hệ thống pháp luật . Bổn phận là trách nhiệm, phần việc phải gánh vác, lo liệu. Bổn phận của trẻ em là việc trẻ em phải có trách nhệm thực hiện những phần việc phù hợp với độ tuổi, khả năng của mình theo quy định của pháp luật.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là một cơ quan của Chính phủ Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, việc làm, an toàn lao động, dạy nghề, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công, bảo trợ xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Theo Điều 82 Luật trẻ em 2016 và được sửa đổi theo Luật số 28/2018/QH14 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm như sau:

Thứ nhất: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em; điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được Chính phủ giao hoặc ủy quyền.

Chính phủ  là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, vì vậy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quyền trẻ em do Chính phủ giao hoặc ủy quyền và chịu trách nhiệm về việc thực hiện đó của mình.

Thứ hai: Tham gia ý kiến bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến trẻ em gửi ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật khác; đề xuất việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em khi xây dựng quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành, địa phương.

Thứ ba: Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em để giúp Chính phủ chuẩn bị báo cáo Quốc hội hằng năm hoặc đột xuất về kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em.

Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

Thứ tư: Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương chuẩn bị báo cáo quốc gia việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em là một công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc đã phê chuẩn công ước này, vì vậy chịu sự ràng buộc và bảo đảm thực hiện theo các quy định công ước này.

Thứ năm: Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Trách nhiệm xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em nhằm đảm bảo các quyền lợi và lợi ích chính đáng của trẻ em. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cuối cùng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật trẻ em.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư