Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đối với thanh niên là gì?

Thứ sáu, 24/03/2023, 16:08:25 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đối với thanh niên

Thanh niên tham gia vào hoạt động thực tiễn xây dựng môi trường văn hóa là quá trình rèn luyện, giúp họ có điều kiện thể hiện tốt vai trò của mình. Thông qua các hoạt động thực tiễn, thanh niên có thể bộc lộ rõ nhất năng lực, sở trường và không ngừng hoàn thiện nhân cách của bản thân. Theo đó, việc xây dựng pháp luật về thanh niên nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các nội dung về trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo Điều 34 Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16 tháng 06 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Thanh niên năm 2020).

Cơ sở pháp lý

  • Luật thanh niên 2020;
  • Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
  • Nghị định 17/2021/NĐ-CP quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

Thanh niên là ai?

Dựa theo Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020 ghi nhận định nghĩa về thanh niên như sau:

“Điều 1.

Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.”

Công dân Việt Nam là người mang quốc tịch Việt Nam. Được hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm công dân đối với nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một công dân được mang quốc tịch Việt Nam khi người này được sinh ra tại Việt Nam, có cha mẹ là người Việt Nam.

Đối với các trường hợp có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì cũng được lựa chọn quốc tịch, hoặc một số cá nhân khác được phép xin nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng phải đảm bảo một số điều kiện cần thiết theo quy định.

Từ đó, có thể thấy được thanh niên là lớp người trẻ hoặc người trẻ tuổi. Đây được cho là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.

Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên

- Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên

- Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật

- Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên.

- Nhà nước, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

- Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và phát huy năng lực; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.

- Việc xây dựng và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm sự tham gia của thanh niên; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Xử lý kịp thời, nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định của Luật này.

Cơ sở giáo dục là gì?

Theo Luật Giáo dục 2019 quy định: Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, chia thành các cấp bậc khác nhau và phân theo trình độ đào tạo và độ tuổi của các đối tượng theo học. Theo đó:

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:

-Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;

-Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

-Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

  • Nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật;
  • Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên;
  • Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đối với thanh niên

Bên cạnh gia đình, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác cũng chiếm vai trò vô cùng lớn trong việc giáo dục, rèn luyện, giúp thanh, thiếu niên phát triển về cả thể chất, tình thần. Theo quy định tại 34 Luật Thanh niên 2020, Cơ sở giáo dục có trách nhiệm sau:

1. Giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh niên.

2. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh; thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục cho thanh niên.

3. Phát huy tính sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực tự học, kỹ năng thực hành; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

4. Tư vấn tâm lý về các vấn đề xã hội, tâm lý học đường; giáo dục kỹ năng sống, kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, kỹ năng phòng, chống các bệnh học đường và tệ nạn xã hội cho thanh niên.

5. Tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí và các hoạt động ngoại khóa khác.

6. Tạo điều kiện để tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam thành lập và hoạt động.

Trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân

- Thanh niên có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh;

- Phải có trách nhiệm công dân, có ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội;

- Tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn;

- Chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.

- Thanh niên có trách nhiệm rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng.

- Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư