MỤC LỤC
Trên thực tế, trong một số trường hợp nhất định, quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế hay nói cách khác là bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng. Vậy pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định thế nào về nội dung này? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua các nội dung tiếp theo của bài viết.
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);
- Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng;
Căn cứ khoản 5 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 định nghĩa về giống cây trồng như sau: “Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”
Theo đó, có thể hiểu giống cây trồng là một nhóm thực vật cùng loài, do con người chọn tạo ra, các các đặc điểm di truyền đồng nhất và ổn định. Vậy quyền đối với giống cây trồng là gì?
Khoản 5 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về quyền đối với giống cây trồng như sau: "Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu."
Quyền đối với giống cây trồng cũng căn bản là quyền tài sản mang tính vô hình của tổ chức, cá nhân hay chủ thể được bảo hộ quyền. Quyền đối với giống cây trồng gắn với giống cây trồng mới do chủ thể chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ cho phép người khác thực hiện một hoặc một số hành vi thuộc quyền sử dụng đối với giống cây trồng của mình. Trường hợp quyền sử dụng giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển giao quyền sử dụng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu. (Điều 192 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 196 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ chuyển giao quyền sử dụng độc quyền (sau đây gọi là người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng) trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Việc sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực và dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội. Nội dung "Đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội" được hướng dẫn bởi Điều 29 Nghị định 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 quy định như sau:
+ Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được bảo hộ nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội bao gồm: khắc phục các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai nhu cầu về giống, tên giống cây trồng, mục đích, lượng giống cần sử dụng, phạm vi, thời gian đáp ứng mục đích chuyển giao và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký.
- Trường hợp 2: Người có nhu cầu và năng lực sử dụng giống cây trồng không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về việc ký kết hợp đồng sử dụng giống cây trồng mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
- Trường hợp 3: Người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Quy định này nhằm cân bằng lợi ích giữa chủ bằng bảo hộ giống cây trồng với các chủ thể khác trong một số trường hợp đặc biệt.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 195 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền sử dụng giống cây trồng được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:
- Quyền sử dụng được chuyển giao không phải là quyền độc quyền. Mục đích của việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng bắt buộc không phải để tước đoạt hay hạn chế các độc quyền của người nắm giữ quyền đối với giống cây trồng mà để đảm bảo sự cân bằng giữa quyền và lợi ích của chủ sở hữu giống cây trồng và lợi ích của nhà nước, xã hội, cộng đồng. Do đó, trong trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, chủ sở hữu giống cây trồng hoặc người đang được chủ sở hữu cho phép sử dụng vẫn đồng thời được khai thác, sử dụng giống cây trồng.
- Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục đích chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Điều kiện này được đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người nắm giữ độc quyền giống cây trồng, ngăn ngừa việc lạm dụng việc chuyển giao quyền sử dụng không tự nguyện cho các mục đích khác ngoài những mục đích hợp lí theo luật định
- Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác. Mục đích của quy định này nhằm ngăn chặn sự phát triển của thị trường li-xăng cưỡng bức vì các mục tiêu lợi nhuận.
- Người được chuyển giao quyền sử dụng phải đền bù thoả đáng cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.
Theo đó, việc xác định giá đền bù được hướng dẫn bởi Điều 30 Nghị định 88/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 quy định như sau:
- Nguyên tắc xác định giá đền bù đối với việc chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng giống cây trồng dựa trên quy định như sau:
- Bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao tự thỏa thuận;
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, giá đền bù được xác định như sau:
+ Giá trị của hợp đồng chuyển giao cùng giống đó cho một đối tượng khác tại thời điểm gần nhất, tương ứng với thời gian và số lượng giống bị bắt buộc chuyển giao quyền;
+ Giá trị lợi nhuận của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng thu được từ việc sử dụng giống cây trồng đó tương ứng với khối lượng và thời gian giống phải chuyển giao.
+ Trường hợp không có căn cứ giá đền bù được xem xét dựa trên chi phí thực tế tạo ra giống cây trồng đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trưng cầu tổ chức định giá đền bù hoặc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Hội đồng thẩm định giá đền bù cụ thể cho các trường hợp trên.
Điều 196 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc như sau:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 195 của Luật này. Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 195 của Luật này.
- Quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải ấn định phạm vi và các điều kiện sử dụng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 195 của Luật này.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng phải thông báo ngay cho người nắm độc quyền sử dụng giống cây trồng về quyết định đó.
- Quyết định chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng hoặc từ chối chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện theo quy định của pháp luật.