Điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh là gì?

Thứ ba, 16/05/2023, 16:45:09 (GMT+7)

Bài viết trình bày quy định của pháp luật về điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh được hiểu như một thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, được giữ bí mật và có một giá trị kinh tế nhất định bởi nó tạo cho người nắm giữ thông tin một lợi thế trước những đối thủ cạnh tranh. Dưới đây sẽ trình bày về điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Căn cứ pháp lý.

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ 2005);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ 2009);

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 (Luật sở hữu trí tuệ 2019);

- Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 06 năm 2022 (Luật sở hữu trí tuệ 2022).

Bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh là một khái niệm rất rộng, có thể hiểu đó là một dạng thông tin bí mật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Bí mật kinh doanh rất đa dạng và có thể được tạo ra trong hầu hết các hoạt động kinh doanh của các chủ thể, nhất là các doanh nghiệp. Khoản 23 điều 4 luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: " Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh" 

Đặc điểm của bí mật kinh doanh

- Bí mật kinh doanh là kết quả của quá trình đầu tư tài chính, trí tuệ: Thông tin là kết quả của quá trình đầu tư nên Bí mật kinh doanh không nhất thiết phải là kết quả của quá trình sáng tạo. Các Bí mật kinh doanh có thể rất đa dạng, trong đó  phổ biến như

+ Bí quyết kĩ thuật; công thức chế tạo sản phẩm, cấu tạo kỹ thuật của động cơ, trang thiết bị máy móc, mã nguồn máy tính; dữ liệu thử nghiệm.

+Thông tin thương mại như: hồ sơ khách hàng, danh sách nhà cung cấp, kế hoạch tiếp thị, kế hoạch kinh doanh, hệ thống phân phối...

+Thông tin tài chính như: cơ cấu giá nội bộ, danh mục giá... Thông tin hoạt động nội bộc tình trạng bế tắc trong nghiên cứu và triển khai, các giải pháp kĩ thuật đã bị rút bỏ...

- Bí mật kinh doanh là thông tin chưa bị bộc lộ: Tính chất bí mật của Bí mật kinh doanh đòi hỏi các thông tin là Bí mật kinh doanh phải chưa bị bộc lộ, tuy nhiên bộc lộ đến mức độ nào thì khái niệm tại khoản 23 Điều 4 Luật SHTT chưa xác định.

- Bí mật kinh doanh có khả năng tạo ra những giá trị kinh tế khi sử dụng trong kinh doanh: Thông tin được coi là Bí mật kinh doanh chỉ cần đảm bảo có “khả năng” tạo ra giá trị kinh tế mà không cần thiết phải “đã tạo ra" hay thực tế đã tạo ra giá trị này, thậm chỉ rất lâu sau khi Bí mật kinh doanh được tạo ra nó mới có thể tạo ra giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế được xác định về mặt định tính và không có bất kì yêu cầu nào về mặt định lượng, tức giá trị tối thiểu cụ thể nào đó để công nhận Bí mật kinh doanh về mặt pháp lí. Bên cạnh đó, giá trị tạo ra phải có bản chất kinh tế, tức đem lại lợi ích về mặt kinh tế như lợi nhuận trong kinh doanh, giá trị gia tăng đối với sản phẩm, v.v.. Việc một thông tin có thể đem lại lợi thế nào đó cho cá nhân hoặc tổ chức nhưng có bản chất về chính trị, xã hội... thì không thể coi đó là Bí mật kinh doanh.

Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Theo Điều 84 Luật sở hữu trí tuệ  2005  quy định:

“Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”

 Như vậy, điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh dưới góc độ một đối tượng Sở hữ công nghiệp được Luật Sở hữu trí tuệ quy định trong tập hợp ba yêu cầu: không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không  nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó, và được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Các điều kiện này phải đồng thời được đáp ứng thì một thông tin nào đó mới được bảo hộ như bí mật kinh doanh cụ thể:

- Thứ nhất, Thông tin không phải là hiểu biết thông thương và không dễ dàng có được: Thông tin không phải là hiểu biết thông thường được đánh giá qua việc thông tin có mức độ được biết đến bốn công chúng có thể nằm bất, tiếp cận trong các điều kiện bình thường. Từ quan điểm khách quan, thông tin chỉ được biết đến với một nhóm người hạn chế, nghĩa là nó không được các chuyên gia hay đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này biết đến. Trong một số trường hợp, việc một số người khác biết về thông tin là bí mật kinh doanh do quan hệ công việc hoặc giao dịch với nghĩa vụ giữ bí mật thì có thể coi thông tin vẫn không thay đổi bản chất “không phải là hiểu biết thông thường". 

- Thứ hai, thông tin khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nằm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó. Thông tin cấu thành bí mật kinh doanh có thể được sử dụng trong các hoạt động khác nhau của cá nhân và tổ chức, song việc đánh giá xem đây có phải bí mật kinh doanh chỉ đặt ra khi nó có "tiềm năng” sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Thông tin có thể đã, đang hoặc sẽ được sử dụng song trong bất kì trường hợp nào đều phải tạo ra lợi thế cho người nắm giữ hay sử dụng thông tin. Lợi thể ở đây là bất kì ưu thế nào: khiến giả của sản phẩm thấp hơn; sản phẩm tốt hơn; chức năng, công dụng nhiều hơn; thời gian sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn..

- Thứ ba, thông tin được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Biện pháp bảo mật do chủ sở hữu thông tin áp dụng, phù hợp với bản chất của thông tin để cá nhân, tổ chức khác không dễ dàng tiếp cận được. Bí mật kinh doanh có thể có được bằng bất kì cách thức hợp pháp nào, do đó việc vô tình hay cố ý bộc lộ thông tin là bí mật kinh doanh cũng đủ để huỷ hoại một bí mật kinh doanh trong thực tế, đồng thời cả nhân hay tổ chức nào đó sẽ có được bí mật kinh doanh. Điều kiện bảo hộ này cũng được quy trong định trong pháp luật của nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản..., theo đó những nỗi lực của chủ sở hữu thông tin để giữ bí mật được đánh giá là có tầm quan trọng hàng đầu trong việc xác định liệu thông tin có tạo nên bí mật kinh doanh hay không, tức có được bảo hộ hay không. 

Các biện pháp bảo mật thích hợp được chủ thể năm giữ thông tin áp dụng như sau:

+ Biện pháp hạn chế việc biết được hoặc tiếp cận được thông tin: biện pháp cất giữ thông tin, biện pháp chống tiếp cận thông tin.

+ Biện pháp chống việc bộc lộ thông tin: ký kết các dạng hợp đồng bảo mật, hợp đồng lao động trong đó có quy định trách nhiệm của người được biết hoặc tiếp cận thông tin không được bộc lộ thông tin hoặc không được tìm cách biết được thông tin mà mình được tiếp cận.

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

Theo Điều 85 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

“Điều 85. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.”

Theo đó, bí mật về nhân thân, quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh và những thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh sẽ không được bảo hộ với danh nghãi bí mật kinh doanh. Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi vì những thông tin này không tạo ra giá trị có bản chất kinh tế, tức đem lại lợi ích về mặt kinh tế như lợi nhuận trong kinh doanh, giá trị gia tăng đối với sản phẩm, v.v.. Việc một thông tin có thể đem lại lợi thế nào đó cho cá nhân hoặc tổ chức nhưng có bản chất về chính trị, xã hội... thì không thể coi đó là Bí mật kinh doanh.

Xác lập quyền Sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh .

Bản chất của bí mật kinh doanh đòi hỏi việc bảo hộ phải đảm bảo khả năng bảo mật đối với bí mật kinh doanh. Theo thực tiễn chung trên thế giới, các nhà lập pháp Việt Nam theo cách tiếp cận quyền Sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh phát sinh tự động và không yêu cầu phải thực hiện bất kì thủ tục đăng kỉ nào nếu đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo Luật định.

Cụ thể, quy định tại điểm e khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005, quyền Sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Việc có được một cách hợp pháp BMKD được hiểu là chủ thể tạo ra BMKD trên cơ sở đầu tư tài chính, trí tuệ hay bất kì cách thức hợp pháp nào để tìm ra, tạo ra hoặc đạt được thông tin tạo thành bí mật kinh doanh đó. Chủ thể cũng phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo mật bí mật kinh doanh bao gồm nhưng không giới hạn bởi các biện pháp để ngăn ngừa và chống lại việc tiếp cận, truy cập thông tin là bí mật kinh doanh một cách trái phép.

 Như vậy, quyền Sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh hình thành kể từ khi có được một cách hợp pháp  nếu thông tin tạo thành bí mật kinh doanh đáp ứng đầy đủ điều kiện bảo hộ theo luật định mà không cần thực hiện thủ tục đăng kí. Các quyền đối với bí mật kinh doanh được kéo dài chừng nào bí mật kinh doanh còn đảm bảo được các điều kiện bảo hộ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật sở hữu trí tuệ.

Luật Hoàng Anh.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư