2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được thực thi bằng các biện pháp: tự bảo vệ, dân sự, hình chính, hình sự và kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về biện pháp tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ 2005);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ 2009);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 (Luật sở hữu trí tuệ 2019);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 06 năm 2022 (Luật sở hữu trí tuệ 2022).
Dưới góc độ lý luận, quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chính các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo ra, xác lập, sử dụng và định đoạt các đối tượng sở hữu trí tuệ.
Theo đối tượng quyền, quyền sở hữu trí tuệ được chia làm ba nhánh tùy thuộc vào đối tượng quyền: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Khi các cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu trí tuệ thì bản chất là việc nhà nước chấp nhận bảo hộ quyền này cho cá nhân, tổ chức đó.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là nhà nước và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này.Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bằng các biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự. Trong đó chủ thể quyền có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Thanh tra Khoa học và Công nghệ (nếu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nếu là hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu là hành vi xâm phạm đối với giống cây trồng) hoặc gửi tới các cơ quan như: Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường.
Quyền tự bảo vệ là quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ áp dụng các biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình. Quyền tự bảo vệ xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của pháp luật Biệt Nam ghi nhận tại Điều 12 Bộ Luật Dân sự 2015 và được cụ thể hóa tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.
Quyền tự bảo vệ cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện những hành vi nhất định để ngăn ngừa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, cụ thể:
- Thứ nhất, áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 76 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định: "Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ." Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2002 đã bổ sung thêm cụm từ " Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác", ngoài biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền thì chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng đưa thông tin quản lý quyền hoặc các biện pháp công nghệ khác để ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Quy định như vậy giúp bao quát hơn các hoạt động mà chủ sở hữu có thể thực hiện để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đến quyến sở hữu trí tuệ của mình.
Các biện pháp công nghệ có thể kể đến như:
+ Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (sau đây trong Điều này gọi chung là sản phẩm) nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm;
+ Sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.
- Thứ hai, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã bổ sung thêm cụm từ " gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet". Có thể thấy sự bổ sung này là rất hợp lý bởi hiện nay khi mà không giang mạng ngày càng phát triển, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do đăng tải những nội dung trên môi trường mạng viễn thông cũng như mạng Internet ngày càng diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Việc đăng tải các nội dung vi phạm như vậy có thể gây thiệt hại về các vật chất cũng như tinh thần cho chủ sở hữu bởi vậy pháp luật quy định chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm này là rất hợp lý.
Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
- Thứ ba, Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó, khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, chủ sở hữu quyền có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Thứ tư, Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể sự dụng các biện pháp trên bằng cách gặp trực tiếp chủ thể vi phạm hoặc sử dụng các phương thức khác như gọi điện, gửi thư qua bưu điện… hoặc tiến hành những hành vi cụ thể để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Người bị xâm phạm quyền sở hữu có thể lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khác nhau để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, việc chủ thể áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng của mình không được trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Bên cạnh chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ 2019, điểm b khoản 76 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 còn quy định về quyền tự bảo vệ đối với các chủ thể khác như sau:
- Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả, quyền của người biểu diễn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền quy định tại khoản 4 Điều 19 và điểm b khoản 2 Điều 29 của Luật này.
- Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này
- Tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.
Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã bổ sung thêm trường hợp tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả, quyền của người biểu diễn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền quy định tại khoản 4 Điều 19 và điểm b khoản 2 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1a Luật Sở hữu trí tuệ được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 76 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định như sau: "Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình."
Đây là quy định mới được bổ sung tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022, theo đó chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định. Sự bổ sung này là rất cần thiết, bởi trong nhiều trường hợp vì một số lí do khác nhau như nhận thức, kinh nghiệm, thời gian... mà chủ sở hữu không thể tự thực hiện quyền tự bảo vệ thì có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhằm bảo đảo tối đa và kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật sở hữu trí tuệ.
Luật Hoàng Anh.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh