MỤC LỤC
Tác giả của các đối tượng sở hữu công nghiệp là một chủ thể quan trọng trong sở hữu công nghiệp. Trên thực tế, các đối tượng sở hữu công nghiệp đều do con người tạo ra nhưng không phải tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp đều được pháp luật thừa nhận là có tác giả. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về tác giả của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ 2009);
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành không đưa ra khái niệm cụ thể về đối tượng sở hữu công nghiệp, tuy nhiên có thể hiểu đối tượng sở hữu công nghiệp là các tài sản trí tuệ gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người. Đây là kết quả của quá trình đầu tư, nghiên cứu nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định: "Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý".
Tùy thuộc vào tính chất, các đối tượng sở hữu công nghiệp thường được phân thành các nhóm:
- Các giải pháp kĩ thuật: như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp. Đây là những đối tượng mang đặc tính sáng tạo về kĩ thuật, thường phải đáp ứng các yêu cầu về tính mới, khả năng áp dụng trong công nghiệp, chủ yếu được khai thác trong hoạt động sản xuất công nghiệp để tạo ra những sản phẩm phục vụ các nhu cầu về đời sống, xã hội. Quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng này chỉ pháp sinh trên cơ sở được cấp văn bằng bảo hộ.
- Các chỉ dẫn thương mại: như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý. Đây là các chỉ dẫn thương mại được các chủ thể kinh doanh sử dụng trong thương mại (trên hàng hóa, bao bì, biển hiệu...) nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Các đối tượng này cấn đáp ứng các điều kiện có khả năng phân biệt, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa mang chỉ dẫn. Quyền sở hữu công nghiệp có thể xác lập thông qua thủ tục đăng ký trên cơ sở thực tiễn sử dụng trong kinh doanh.
- Bí mật kinh doanh: đây là đối tượng sở hữu công nghiệp khá đặc biệt vì những thông tin được coi là bí mật kinh doanh có thể gắn với hoạt động thương mại hoặc thuần túy là những bí quyết kĩ thuật. Do bản chất bí mật kinh doanh có tính bí mật nên bí mật kinh doanh có điều kiện bảo hộ, căn cứ xác lập quyền cũng như nội dung bảo hộ riêng.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí năm 2009 quy định:
"Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh."
Quyền sở hữu công nghiệp được hình thành trên cơ sở sự tác động của các quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với các kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Theo đó, chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp là tất cả các cá nhân, tổ chức như tác giả hay chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức cá nhân được chủ sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Khách thể của quyền sở hữu công nghiệp là các kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh. Nội dung của quyền sở hữu công nghiệp là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các chủ đề quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật ghi nhận và bảo hộ.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 thì căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định như sau:
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
Các đối tượng sở hữu công nghiệp đều là những tài sản mang đặc trung vô hình, dễ dàng bị sao chép, có thể được lan truyền một cách nhanh chóng và được sử dụng bởi bất kỳ chủ thể nào. Do đó, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập độc quyền cho người nắm giữ tài sản trí tuệ. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp là công cụ pháp lí để biến tài sản vô hình thành quyền tài sản mang tính độc quyền có giá trị, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, giúp chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể khai thác tối đa các quyền này.
Các đối tượng sở hữu công nghiệp đều do con người tạo ra nhưng không phải tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp đều được pháp luật thừa nhận là có tác giả.
Trong các đối tượng sở hữu công nghiệp mà pháp luật bảo hộ, những đối tượng sau đây được pháp luật bảo hộ quyền tác giả (đồng tác giả): Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả bao gồm: chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh.
Theo Khoản 1 Điều 122 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009:
“Điều 122. Tác giả và quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
1. Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp; trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả.”
Một tiêu chí để công nhận một chủ thể là tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp là sự lao động sáng tạo của người đó để tạo ra đối tượng tương ứng, là trí tuệ tư duy được kết tinh trong mỗi đối tượng. Do đó, quyền tác giả chỉ phát sinh đối với các loại đối tượng có đặc điểm về sự sáng tạo như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Người sáng tạo ra các đối tượng này chỉ có thể là cá nhân. Bằng lao động có tính sáng tạo, cá nhân tạo ra sản phẩm được pháp luật thừa nhận là đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Khi pháp luật quy định “bằng lao động sáng tạo” nhằm phân biệt hình thức lao động đặc biệt của tác giả với hình thức lao động khác không phải là hoạt động sáng tạo, đó là: Người giúp sức cho tác giả, hỗ trợ kỹ thuật, người thực hiện các công việc theo sự chỉ đạo của tác giả, theo hợp đồng với tác giả…
Khái niệm sáng tạo để chỉ một lao động đặc biệt, phức tạp của những người muốn khám phá thế giới bên ngoài nhằm đạt được những mục đích nhất định. Do vây, họ phải là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đó. Trình độ chuyên môn ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa là họ chỉ có bằng cấp, hoạt động chuyên nghiệp trong một lĩnh vực mà còn có ý định tạo ra đối tượng không phụ thuộc vào bằng cấp mà họ có.
Đồng tác giả là những người cùng sáng tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được gọi là các đồng tác giả của sản phẩm trí tuệ đó. Tác giả là người sáng tạo và là chủ thể của quan hệ pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp. Việc sáng tạo của tác giả mà đối tượng được minh chứng bằng chính nội dung khoa học của đối tượng mà tác giả đã sáng tạo ra. Có thể tồn tại hay nhiều người độc lập nghiên cứu và ra cùng một kết quả, tạo ra một đối tượng nhất định thì ưu tiên bảo vệ người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Do sự phức tạp của các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể một đối tượng do một tập thể người tạo ra dưới sự chỉ đạo của một người. Trong đó mỗi người có nhiệm vụ thiết kế một bộ phận, một chi tiết trong tổng thể sáng chế tạo thành như thiết kế một máy bay có các bộ phận cấu thành (động cơ, hệ thống điều khiển…)