Trích dẫn hợp lý tác phẩm là như thế nào?

Thứ ba, 23/05/2023, 09:44:14 (GMT+7)

Bài viết trình bày về thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm

Căn cứ pháp lý

- Công ước Berne năm 1886;

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội (Luật Sở hữu trí tuệ 2005);

- Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tác phẩm là gì?

Căn cứ Khoản 7 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ 2009 định nghĩa về tác phẩm như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

7.Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và các tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự bao gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, ký sự, tùy bút, văn hoa, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác. Tác phẩm được bảo hộ bao gồm các tác phẩm được thể hiện bằng các ký tự khác thay cho chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự khác mà đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, các sản phẩm trí tuệ này chỉ được công nhận là tác phẩm khi chúng đã được ấn định trên hình thái vật chất (vật mang tin) hoặc đã được thể hiện ra bên ngoài bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào đủ để người khác biết đến sản phẩm. Vì thế các kết quả của hoạt động lao động sáng tạo nếu mới chỉ là ý tưởng, chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức vật chất nhất định thì không thể nhận biết được nên chưa đươc coi là tác phẩm.

Đặc điểm của tác phẩm

- Tác phẩm là sự sáng tạo trực tiếp của con người, mang dấu ấn cá nhân của con người cụ thể. Chủ thể của hoạt động sáng tạo là tác giả, thông qua quá trình hoạt động của trí não và các yếu tố hỗ trợ khác tạo ra thành quả là tác phẩm.

- Tác phẩm là sản phẩm trí tuệ do còn người tạo ra chứ không chỉ đơn thuần là các dạng sản phẩm chỉ được hình thành do kết quả lao động của con người mà không chứ một hàm lượng chất xám nhất định.

- Tác phẩm là sản phẩm trí tuệ ngueyen gốc mang đặc trưng riêng của người sáng tạo.

- Tác phẩm được thể hiện thông qua một dạng vật chất nhất định hay nói cách khác tác phẩm phải được định hình trong một dạng phương tiện thể hiện cụ thể.

Trích dẫn tác phẩm là gì?

Luật sở hữu trí tuệ hiện hành không đưa ra khái niệm cụ thể về trích dẫn tác phẩm, tuy nhiên trích dẫn tác phẩm có thể hiểu là sự tái tạo chính xác một đoạn văn bản mà không có sửa chữa gì, phân biệt với đoạn văn bản xung quanh bằng dấu trích dẫn hoặc các yếu tố định dạng, dựa theo một nguồn đáng tin.

Tại sao phải trích dẫn hợp lý tác phẩm

Việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mang lại những ý nghĩa sau:

Thứ nhất, bảo đảm tính khoa học của tác phẩm cũng như uy tín, đạo đức của người thực hiện tác phẩm. Việc công khai minh bạch những nội dung trích dẫn không những nâng cao giá trị khoa học cho chính tác phẩm, mà còn bảo đảm nguồn kiểm chứng rõ ràng. Bên cạnh đó, việc trích dẫn hợp lý thể hiện ý thức pháp luật, thái độ làm việc nghiêm túc, đạo đức và trung thực; phản ánh trình độ, năng lực của người nghiên cứu cũng như, thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả có tác phẩm được trích dẫn.
Thứ hai, đối với tác phẩm cũng như tác giả có tác phẩm được trích dẫn: Việc trích dẫn hợp lý tác phẩm góp phần bảo đảm quyền và lợi ích vật chất, tinh thần cũng như uy tín khoa học và thành quả lao động, sáng tạo của tác giả có tác phẩm được trích dẫn. Để dễ hình dung hơn, chúng ta thử đặt vào bối cảnh khi mình có một tác phẩm nhưng được nhiều, rất nhiều tác giả khác trích dẫn hợp lý ở những khía cạnh, mức độ khác nhau sẽ thấy rất rõ ý nghĩa của việc trích dẫn đối với tác giả có tác phẩm được trích. Nói cách khác, tác phẩm có chỉ số, tỷ lệ được trích dẫn khác nhau phản ánh được nhiều vấn đề của tác phẩm cũng như tác giả.

Quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm theo Công ước Berne năm 1886

Theo Điều 10 Công ước Berne năm 1886 quy định một số trường hợp sử dụng tự do tác phẩm:

1. Trích dẫn;

2. Minh họa phục vụ cho giảng dạy;

3. Chỉ dẫn nguồn gốc và tác giả.

Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo.

Quy định của pháp luật Việt Nam về trích dẫn hợp lý tác phẩm

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

Luật Sở hữu trí tuệ nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến các quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, Luật Sở hữu trí tuệ cho phép sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Trích dẫn hợp lý tác phẩm cũng là một trong các trường hợp này. Việc trích dẫn hợp lý đúng theo quy định sẽ không xâm phạm quyền tác giả.

Điều kiện để được coi là trích dẫn hợp lý tác phẩm

Điều 28 Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc trích dẫn hợp lý tác phẩm phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.

- Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

- Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.

Như vậy, việc trích dẫn ngoài việc không làm sai ý của tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả và phù hợp với đặc điểm của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn thì việc trích dẫn đó phải không nhằm mục đích thương mại. Chính việc trích dẫn nghiêm túc tác phẩm sẽ hạn chế được vấn đề đạo văn.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về cách trích dẫn ra sao, và việc chú thích trích dẫn đó như thế nào cho phù hợp, tên tác giả trước hay tên tác phẩm trước; trường hợp trích dẫn liên quan đến số trang thì ghi trang tài liệu được trích dẫn trước (trang số mấy) hay ghi số trang sau cùng, sử dụng bao nhiêu từ thì phải trích dẫn. Vì vậy hệ thống pháp luật cần cần có những quy định rõ ràng hơn liên quan đến trích dẫn hợp lý tác phẩm.

Nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, Luật sở hữu trí tuệ quy định các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: Biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, để xác định loại vi phạm pháp luật nào được áp dụng và áp dụng như thế nào đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn. Phải có các chế tài đủ mạnh và xử lý thật nghiêm túc các trường hợp sử dụng tác phẩm của người khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn nhưng làm sai ý nghĩa của tác phẩm được trích dẫn để có sự răn đe và để mọi người thấy được sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, và giá trị của tài sản vô hình này.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật sở hữu trí tuệ.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư