Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau thương tật, bệnh tật tái phát như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:14 (GMT+7)

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau thương tật, bệnh tật tái phát

2. Đối với người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần từ ngày 01/01/2007 trở về sau

2.1. Hưởng trợ cấp một lần

a. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần phải đạt đủ các điều kiện sau để được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định lại:

- Mức suy giảm khả năng lao động tăng so với lần giám định trước

- Mức suy giảm khả năng lao động dưới 31%

b. Mức hưởng trợ cấp một lần

Cũng theo Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức trợ cấp một lần được tính bằng hiệu số giữa mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới với mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động trước đó. Theo đó ta có công thức sau:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = Mức hưởng trợ cấp theo suy giảm khả năng lao động khi giám định lại – Mức hưởng trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động khi giám định lần trước

= {(Mức lương cơ sở x 5) + [(Mức suy giảm khả năng lao động trong lần giám định lại – 5) x (mức lương cơ sở  x 0,5)]} – {(Mức lương cơ sở x 5) + [(Mức suy giảm khả năng lao động trong lần giám định trước – 5) x (mức lương cơ sở  x 0,5)]}

Trong đó:

- Mức lương cơ sở được xác định theo mức lương cơ sở tại thời điểm Hội đồng giám định Y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động của người lao động trong lần giám định lại (thời điểm hưởng chế độ)

- {(Mức lương cơ sở x 5) + [(Mức suy giảm khả năng lao động trong lần giám định lại – 5) x (mức lương cơ sở  x 0,5)] hay {(Mức lương cơ sở x 5) + [(Mức suy giảm khả năng lao động trong lần giám định trước – 5) x (mức lương cơ sở  x 0,5)] là công thức tính mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần theo mức suy giảm khả năng lao động, được quy định tại Điều 48 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015.

Ví dụ 12 tại Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Ông C bị tai nạn lao động tháng 8/2013 với mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Tháng 10/2016, do thương tật tái phát ông C được giám định lại, mức suy giảm khả năng lao động mới là 30%. Mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Ông C được hưởng mức trợ cấp một lần như sau:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = [(1.210.000 x 5) + (30 - 5) x (1.210.000 x 0,5)] - [(1.210.000 x 5) + (20 - 5) x (1.210.000 x 0,5)] = 6.050.000 (Đồng).

2.2. Hưởng trợ cấp hằng tháng

a. Điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần phải đạt điều kiện sau để được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định lại: Mức suy giảm khả năng lao động của người lao động sau khi giám định lại là trên 31%.

b. Mức hưởng trợ cấp hằng tháng

Cũng theo Điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Mức trợ cấp hằng tháng của người lao động bao gồm 02 loại: Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động và Mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội

- Mức trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động được tính trên mức suy giảm khả năng lao động mới. Tức là tính theo công thức sau:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động = (Mức lương cơ sở x 30%) + [(Mức suy giảm khả năng lao động mới của người lao động - 31) x (Mức lương cơ sở x 2%)]

Trong đó: Mức lương cơ sở của người lao động ở đây là mức lương cơ sở tại thời điểm người lao động bắt đầu hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khi có kết luận giám định suy giảm khả năng lao động từ Hội đồng giám định Y khoa)

- Mức trợ cấp theo số năm đóng bảo hiểm xã hội được tính với số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đã tính hưởng trợ cấp một lần trước đó. Theo đó, ta có công thức sau:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo số năm đóng bảo hiểm xã hội = (Tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng trước liền kề x 0,5%) + [(Số năm người lao động đóng vào Quỹ - 01) x (Tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng trước liền kề x 0,3%)]

Trong đó:

- Số năm người lao động đóng vào Quỹ là năm đủ 12 tháng, bao gồm số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đã tính hưởng trợ cấp một lần trước đó.

- Tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng trước liền kề là tiền lương của tháng trước khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và được giám định lần đầu.

Ví dụ 13 tại Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/09/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Ông P bị tai nạn lao động tháng 8/2016 với mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Tính đến trước tháng bị tai nạn lao động, ông P có 10 năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động là 3.500.000 đồng. Do thương tật tái phát, tháng 10/2018, ông P được giám định lại, mức suy giảm khả năng lao động mới là 32%. Giả sử mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.300.000 đồng/tháng. Ông P được hưởng mức trợ cấp hằng tháng tính theo công thức sau:

- Mức tính trợ cấp suy giảm khả năng lao động là:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động = (1.300.000 x 30%) + (31 - 31) x (1.300.000 x 2%) = 416.000 (Đồng)

- Mức tính trợ cấp theo số năm tham gia bảo hiểm xã hội là:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo số năm đóng bảo hiểm xã hội = (3.500.000 x 0,5%) + [(10 – 1) x (3.500.000 x 0,3%)] = 112.000 (Đồng)

Suy ra tổng mức hưởng trợ cấp hằng tháng của ông P là:

416.000 + 112.000 = 528.000 (Đồng)

Xem thêm:

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau thương tật, bệnh tật tái phát như thế nào? (Phần 1)

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau thương tật, bệnh tật tái phát như thế nào? (Phần 3)

Tổng hợp bài viết về Luật bảo hiểm xã hội

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư