Các yêu cầu đối với công trường xây dựng và vật liệu xây dựng trong công tác chuẩn bị xây dựng công trình là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:42 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các yêu cầu đối với công trường xây dựng và vật liệu xây dựng trong công tác chuẩn bị xây dựng công trình

Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về các yêu cầu đối với công trường xây dựng và vật liệu xây dựng trong công tác chuẩn bị xây dựng công trình? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Các yêu cầu đối với công trường xây dựng 

Có thể hiểu công trường xây dựng là nơi diễn ra các hoạt động xây dựng. Điều 109, Luật Xây dựng năm 2014 quy định về các yêu cầu đối với công trường xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng công trình bao gồm: 

a. Trách nhiệm của chủ đầu tư 

Khoản 9, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014 quy định chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng công trình, đối với công trường xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. 

Nội dung biển báo gồm:

+ Tên, quy mô công trình;

+ Ngày khởi công, ngày hoàn thành;

+ Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;

+ Bản vẽ phối cảnh công trình.

b. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng 

Khoản 28, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014 quy định nhà thầu là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng, đối với công trường xây dựng, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:

+ Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;

+ Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;

+ Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;

+ Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.

+ Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng.

2. Các yêu cầu về vật liệu xây dựng 

Khoản 1, Điều 3, Nghị định 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ quy định vật liệu xây dựng là sản phẩm, hàng hóa được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ.

Pháp luật quy định như thế nào về việc phát triển vật liệu xây dựng?

Điều 110, Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi tại Khoản 40, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định chung về vật liệu xây dựng như sau: 

+ Phát triển, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. 

+ Vật liệu, cấu kiện sử dụng cho công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. 

Cấu kiện xây dựng là sản phẩm vật liệu xây dựng được chế tạo để lắp ghép thành kết cấu công trình.

+ Vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với các quy định trên.

+ Ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ; vật liệu xây dựng và sản phẩm xây dựng được sản xuất, chế tạo trong nước; sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Nghị định 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý vật liệu xây dựng, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể trong các bài viết tiếp theo. 

Xem thêm: 

Tổng hợp các bài viết về Luật Xây dựng

Luật Hoàng Anh 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư