Quyền, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:56 (GMT+7)

Bài viết giải thích về quyền, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Công đoàn cơ sở là cấp Công đoàn ngang bằng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, do đó có rất nhiều quyền, trách nhiệm gắn liền với an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở nơi làm việc của người lao động. Vậy, quyền, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 10 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Công đoàn cơ sở có 10 quyền và trách nhiệm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó bao gồm:

1. Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động

Nội quy lao động của người sử dụng lao động có một trong những nội dung chính là an toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động khi xây dựng nội quy lao động phải thực hiện tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, trong đó có Công đoàn cơ sở. Việc đóng góp ý kiến của Công đoàn cơ sở giúp người sử dụng lao động thực hiện xây dựng nội quy lao động một cách khách quan và phù hợp với người lao động hơn. Ngoài ra, người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở có thể tiến hành thỏa thuận về an toàn, vệ sinh lao động thông qua thương lượng tập thể và ký thỏa ước lao động tập thể về nội dung an toàn, vệ sinh lao động.

Sau khi nội quy lao động, các kế hoạch, quy định, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được ban hành bởi người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, Công đoàn cũng phải tham gia giám sát việc thực hiện của cả người lao động và người sử dụng lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm

Công đoàn là tổ chức đại diện người lao động, và có số lượng thành viên đông đảo nên thường có quyền yêu cầu thương lượng tập thể. Nội dung của thương lượng tập thể bao gồm cả vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (Theo Khoản 4 Điều 67 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019). Nếu thương lượng thành công và tỷ lệ đồng ý của người được lấy ý kiến về thỏa ước lao động chiếm đa số, Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể này có giá trị như văn bản quy phạm pháp pháp luật đối với người sử dụng lao động, người lao động của người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở. Để đảm bảo thỏa ước lao động tập thể (có nội dung về an toàn, vệ sinh lao động) được thực hiện một cách đúng đắn, Công đoàn cơ sở đại diện giám sát việc thực hiện các điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động của cả người sử dụng lao động và người lao động.

Công đoàn cơ sở, có trách nhiệm giúp đỡ người lao động, hỗ trợ hướng dẫn khởi kiện hoặc hướng dẫn người lao động thực hiện ủy quyền để khởi kiện theo pháp luật khi bị xâm phạm quyền lợi liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động.

3. Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động

Việc giải quyết đối thoại với người lao động được thực hiện qua hoạt động đối thoại tại cơ sở, có sự tham gia của cả người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (trong đó có Công đoàn cơ sở). Tại đây, các bên bàn luận, trao đổi thông tin cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có thể liên quan đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động.

4. Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Do người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Công đoàn cơ sở khi xây dựng nội quy lao động, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, do đó Công đoàn cơ sở cũng phải có trách nhiệm nhất định trong việc thực hiện các quy định này. Công đoàn cơ sở phải tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động chủ yếu trong việc theo dõi, vận động người lao động là thành viên của Công đoàn. Ngược lại, Công đoàn cơ sở cũng có trách nhiệm giám sát người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động do chính người sử dụng lao động ban hành tại cơ sở và theo pháp luật.

Trên đây là 04 trong tổng số 10 quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015. Để biết thêm về 06 quyền còn lại, xin tham khảo: Quyền, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? (Phần 2); Quyền, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? (Phần 3)

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư