Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:00 (GMT+7)

Bài viết giải thích về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có 08 trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về 02 trong tổng số 08 trách nhiệm đó.

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp

Theo Khoản 4 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do chính người này gây ra (hoặc hoàn toàn không có lỗi của người này) và người lao động bị bệnh nghề nghiệp, do những người này bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, chứng minh rằng người sử dụng lao động không đảm bảo đủ an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động về điều kiện lao động, các biện pháp phòng chống các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Việc bồi thường được thực hiện theo 03 mức sau:

a. Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%

Người lao động bị suy giảm từ 5% trở lên đã đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, trong đó, bồi thường của người sử dụng lao động là một trong các khoản mà người lao động được hưởng. Ở mức từ 5% đến 80% suy giảm khả năng lao động, mức bồi thường thiệt hại cũng có sự thay đổi:

(i) Từ 5% đến 10% suy giảm khả năng lao động: Khoản bồi thường thiệt hại bằng 1,5 tháng lương (bao gồm tiền lương theo công việc, chức danh, phụ cấp lương, các khoản bổ sung)

Ví dụ: Lương của người lao động là 10.000.000/ tháng. Khi người lao động bị tai nạn lao động, giám định suy giảm khả năng lao động của người lao động cho kết luận là 6%, thì người lao động được hưởng số tiền bồi thường từ người sử dụng lao động là: 10.000.000 x 1,5 = 15.000.000 (Đồng)

(ii) Từ trên 11% đến 80%: Cứ tăng 1% thì khoản bồi thường thiệt hại được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương (bao gồm tiền lương theo công việc, chức danh, phụ cấp lương, các khoản bổ sung). Theo đó ta có công thức:

Mức bồi thường cho người suy giảm khả năng lao động = 1,5 + [(Mức phần trăm suy giảm khả năng lao động của người lao động – 10) x 0,4]

Tiền bồi thường mà người lao động nhận được = Lương tháng của người lao động x Mức bồi thường cho người suy giảm khả năng lao động

Ví dụ: Lương của người lao động là 10.000.000/ tháng. Khi người lao động bị tai nạn lao động, giám định suy giảm khả năng lao động của người lao động cho kết luận là 80%, thì mức mà người lao động được hưởng bồi thường từ người sử dụng lao động là: 1,5 + [(80-10) x 0,4] = 29,5 lần lương tháng của người lao động.

Suy ra khoản bồi thường mà người lao động được hưởng là:

10.000.000 x 29,5 = 295.000.000 (Đồng)

b. Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, tức hầu như không còn khả năng lao động cũng như sinh hoạt bình thường, mà nguyên nhân do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi làm việc cho người sử dụng lao động, vì vậy người lao động phải được hưởng khoản bồi thường thiệt hại lớn hơn nhiều lần so với khoản bồi thường thiệt hại cho các mức suy giảm lao động thấp hơn. Đối với người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì chủ thể hưởng bồi thường thiệt hại là thân nhân những người này, cũng được hưởng cùng mức với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Ví dụ: Lương của người lao động là 10.000.000/ tháng. Khi người lao động bị tai nạn lao động, giám định suy giảm khả năng lao động của người lao động cho kết luận là 81%, suy ra người lao động được hưởng số tiền bồi thường từ người sử dụng lao động là: 10.000.000 x 30 = 300.000.000 (Đồng)

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra

Người sử dụng lao động vẫn có trách nhiệm trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra, tuy nhiên, đây là khoản tiền trợ cấp, không phải là bồi thường thiệt hại. Theo Khoản 5 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, tiền trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra bằng ít nhất 40% mức bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động dành cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với cùng phần trăm suy giảm khả năng lao động.

Ví dụ: Lương của người lao động là 10.000.000/ tháng. Khi người lao động bị tai nạn lao động, giám định suy giảm khả năng lao động của người lao động cho kết luận là 6%, mà cũng hoàn thành Điều tra tai nạn lao động cho kết luận người lao động có lỗi khiến mình bị tai nạn lao động thì người lao động chỉ được hưởng trợ cấp bằng 40% tiền bồi thường mà một người lao động cũng có 6% suy giảm khả năng lao động được hưởng (khi không hoàn toàn do lỗi của người này):

Người lao động được hưởng số tiền trợ cấp của người sử dụng lao động là: (10.000.000 x 1,5) x 40% = 6.000.000 (Đồng)

Xem thêm:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 1)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 3)

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư