Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 3)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:00 (GMT+7)

Bài viết giải thích về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có 08 trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về 03 trong tổng số 08 trách nhiệm đó.

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật

Người lao động có thể tự mình đi giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động nếu có mong muốn. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đi giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động khi người lao động nhằm hỗ trợ cho quá trình Điều tra tai nạn lao động, đảm bảo quản lý về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở làm việc. Đồng thời, việc giới thiệu của người sử dụng lao động cũng giúp người lao động được chi trả chi phí khi giám định mức độ suy giảm khả năng lao động.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm giới thiệu người lao động đi điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động trong trường hợp người lao động cần xác nhận từ người sử dụng lao động và các cơ quan y tế để được điều trị tại một số cơ sở nhất định.

7. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc

Người lao động sau khi phục hồi có thể trở lại nơi làm việc và tiếp tục thực hiện công việc. Người sử dụng lao động không được cản trở người lao động quay lại thực hiện công việc, đồng thời phải sắp xếp đúng vị trí làm việc cho người lao động như trước khi người lao động bị tai nạn lao động nếu người lao động hoàn toàn phục hồi và không có biểu hiện suy giảm khả năng lao động. Ngược lại, nếu người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận có suy giảm khả năng lao động, người sử dụng lao động phải cân nhắc sắp xếp người lao động vào vị trí công việc khác phù hợp với khả năng của người lao động (nếu người lao động còn tiếp tục quay trở lại làm việc). Nếu tất cả các công việc mà người sử dụng lao động có thể sắp xếp đều không phù hợp với người lao động (tức sức khỏe của người lao động không đủ điều kiện để thực hiện tất cả các công việc này) thì 02 bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

8. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Khoản 9 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nói cách khác, người sử dụng lao động và Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động đều có trách nhiệm quản lý về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động ở 02 phía khác nhau, đảm bảo công bằng, minh bạch đối với các chế độ cho người lao động. Hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng là bằng chứng quan trọng nếu xảy ra bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động.

Xem thêm:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 1)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 2)

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư