Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:15 (GMT+7)

Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật đầu tư năm 2020

Luật Đầu tư 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, là sự thể chế hóa nội dung của Nghị quyết 50/NQ-TW về ưu đãi trung ương, với mục đích thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; đồng thời ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tác đông lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Vậy những đối tượng nào được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt? Sau đây Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về các đối tượng được áp dụng uu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt và các đối tượng không được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Cụ thể:

1. Đối tượng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

a. Đối tượng được hưởng ưu đãi

Theo Khoản 2 Điều 20 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật đầu tư năm 2020) quy định về đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt bao gồm:

“Điều 20. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

2. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.”

Có thể thấy Luật Đầu tư 2020 đã đưa ra tiêu chí về ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký và thời hạn giải ngân vốn đầu tư để phân biệt dự án được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt so với dự án được hưởng các ưu đãi đầu tư khác. Trong đó, dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu hay dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư đều nằm trong danh mục đối tượng được hưởng ưu đãi theo khoản 2 Điều 15 Luật Đầu Tư năm 2020 và Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Xem thêm: Đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư 2020?

b. Mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

Khoản 3, 4 Điều Điều 20 Luật đầu tư năm 2020 quy định:

“3. Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

4. Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này.”

Xem thêm: Có những hình thức hỗ trợ đầu tư nào? (P1)

Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định các biện pháo áp dụng mức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như sau:

- Mức ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai;

- Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và toàn bộ cơ sở trực thuộc đặt ngoài trụ sở chính của Trung tâm;

- Nhà đầu tư đề xuất áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải cam kết đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư, mức vốn giải ngân, thời hạn giải ngân quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư và các điều kiện khác ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, cần lưu ý:

+ Áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50% so với thuế suất ưu đãi đã được ghi nhận tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được ghi nhận tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; và được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư;

+ Áp dụng miễn thuế tối đa không quá 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm tiếp theo.

2. Đối tượng không áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

Theo Khoản 5 Điều 20 Luật đầu tư năm 2020 quy định về các đối tượng không được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như sau:

“Điều 20. Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

5. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này.”

Xem thêm: Đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư 2020?

Theo quy định tại Điều 13 Luật đầu tư 2014 và Điều 13 Luật đầu tư 2020, ưu đãi đầu tư cao hơn luôn được áp dụng cho nhà đầu tư nhằm đảm bảo một môi trường pháp lý ổn định và ưu đãi cho nhà đầu tư đầu tư vào các ngành nghề mang tính mới, mang lại lợi ích cho xã hội hay thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn/đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Luật đầu tư hiện hành đã bổ sung trường hợp ngoại lệ cho nguyên tắc này, cụ thể là các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật đầu tư 2020 có hiệu lực thì không được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Ngoài ra, các dự án không được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt (Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền) cũng phù hợp với định hướng phát triển “kinh tế xanh” của Việt Nam và các nước trên thế giới. Không đưa ra các ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt trong các ngành xâm hại môi trường hay có tác động xấu tới sức khoẻ con người (phân phối rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà…) là cần thiết nhằm không khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực này.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật đầu tư

Luật Hoàng Anh

 

 

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư