2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Các hành vi nào bị nghiêm cấm về an toàn, vệ sinh lao động? (Phần 1); Các hành vi nào bị nghiêm cấm về an toàn, vệ sinh lao động? (Phần 2) đã giới thiệu về hai nhóm hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến an toàn vệ sinh lao động: Các hành vi cản trở thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động chung; Các hành vi xâm phạm đến quyền lợi bảo hiểm của người lao động liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về nhóm hành vi thứ 03 và 04: Không đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị tại nơi làm việc; Cản trở quyền, lợi ích chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động.
Theo Khoản 3 Điều 12 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, các hành vi không đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất nơi làm việc dẫn đến mất an toàn, vệ sinh lao động xuất phát bởi người sử dụng lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm phải cung cấp cho người lao động các thiết bị, máy móc, vật tư để thực hiện công việc, nên người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với chất lượng của các loại thiết bị, máy móc, vật tư đó. Trách nhiệm này xuất phát từ thời điểm người sử dụng lao động mua thiết bị, máy móc, đến trong quá trình người lao động sử dụng các thiết bị, máy móc này. Khi mua các thiết bị, vật tư, người sử dụng lao động phải đảm bảo các thiết bị này vừa đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất vừa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cơ bản hoặc đối với một số trường hợp phải đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ. Trong quá trình người lao động thực hiện công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn, vệ sinh các thiết bị thông qua các hoạt động kiểm định, sửa chữa thiết bị.
Đặc biệt, đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thì người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau:
- Khai báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc đưa các máy, thiết bị vật tư này vào sử dụng
- Lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật của các thiết bị này
- Lựa chọn các loại thiết bị, máy, vật tư có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và trong thời hạn sử sụng
- Kiểm tra định kỳ và có kết quả kiểm tra định kỳ đối với các loại máy móc này
Nếu sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường thì người sử dụng lao động sẽ phải chịu phạt tiền hành chính từ 2.000.000 đến 75.000.000 Việt Nam Đồng theo quy định tại Điều 23, Điều 25 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Khoản 4 Điều 12 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, các hành vi này bao gồm:
Các hành vi này chủ yếu được thực hiện bởi người sử dụng lao động.
Các hoạt động gian lận như huấn luyện không đủ nội dung hoặc không huấn luyện đúng theo tiêu chuẩn của pháp luật, sử dụng người huấn luyện không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo cơ sở vật chất, không cung cấp kết quả huấn luyện cho người lao động,… là các hành vi vi phạm của người sử dụng lao động. Đối với các vi phạm về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 35.000.000 Việt Nam Đồng cùng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả khác (theo Điều 24 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ).
Các hoạt động kiểm định có vi phạm như không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm định kỹ thuật, không thực hiện đúng quy trình kiểm định, không sử dụng thẩm định viên có khả năng thẩm định, không thực hiện đúng quy trình thẩm định, làm sai, giả kết quả kiểm định… có thể bị xử lý vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đến 150.000.000 Việt Nam Đồng và có thể áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả (theo Điều 25 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ).
Các hành vi vi phạm liên quan đến quan trắc môi trường như không báo cáo kết quả hoạt động hàng năm cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, không công bố công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động tại nơi quan trắc môi trường, không tiến hành quan trắc môi trường, tạo kết quả quan trắc môi trường sai… có thể bị xử lý vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 1.000.000 Việt Nam Đồng đến 140.000.000 Việt Nam Đồng (theo Điều 26 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ).
Các hành vi gian lận trong giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động như gian lận tiền giám định y khoa, thay đổi kết quả giám định y khoa,… đều là các hành vi vi phạm và có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự trong trường hợp làm giả giám định y khoa để được hưởng các quyền lợi về tiền.
Các hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động tương đối đa dạng, thường do người sử dụng lao động thực hiện, như tạo khó khăn cho người lao động khi nhận sổ bảo hiểm, gây cản trở cho người lao động trong quá trình sử dụng máy móc, thiết bị,…
Trên đây là nhóm hành vi bị nghiêm cấm thứ 03, và 04 về an toàn, vệ sinh lao động: Không đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị tại nơi làm việc; Cản trở quyền, lợi ích chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động. Để biết thêm về các hành vi bị nghiêm cấm về an toàn, vệ sinh lao động, xin tham khảo thêm: Các hành vi nào bị nghiêm cấm về an toàn, vệ sinh lao động? (Phần 1); Các hành vi nào bị nghiêm cấm về an toàn, vệ sinh lao động? (Phần 2); Các hành vi nào bị nghiêm cấm về an toàn, vệ sinh lao động? (Phần 4).
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh