Quy trình tổ chức điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về quy trình tổ chức điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo

1. Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo

1.1. Chủ thể có quyền khiếu nại, tố cáo

a. Chủ thể có quyền khiếu nại

Theo Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 2 Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011, chủ thể có quyền khiếu nại bao gồm:

- Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại: Các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật. Ở đây, các quyết định hành chính (theo quy định của Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011) như Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản tai nạn lao động hoặc các hành vi hành chính trong quá trình điều tra tai nạn lao động, đều có thể là đối tượng của khiếu nại.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân có quyền khiếu nại: Cũng tương tự như trường hợp trên, các chủ thể này có thể tiến hành khiếu nại khi có căn cứ quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trái pháp luật và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, đối với trường hợp tai nạn lao động, rất ít khi ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trên, nên hầu như không có vụ điều tra lại tai nạn lao động do khiếu nại của các chủ thể này.

b. Chủ thể có quyền tố cáo

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12/06/2018, các chủ thể có quyền tố cáo là cá nhân biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực). Ở đây, các cá nhân có thể tố cáo về các hành vi vi phạm trong quá trình điều tra của các thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc các hành vi vi phạm trong quá trình thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động.

1.2. Nơi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, cơ quan thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động là nơi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo về liên quan đến Đoàn điều tra tai nạn lao động. Đối với Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, thì nơi tiếp nhận là người sử dụng lao động. Đối với Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, nơi tiếp nhận là Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

1.3. Thời hạn tiếp nhận khiếu nại, tố cáo

Theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, các chủ thể có quyền khiếu nại, tố cáo về Đoàn điều tra tai nạn lao động cũng như các hoạt động Điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra trong 90 ngày, kể từ ngày họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

2.1. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trình tự khiếu nại, tố cáo thông thường

Dựa trên Điểm a Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục của Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011 và Luật tố cáo số 25/2018/QH14 ngày 12/06/2018, tức là theo thủ tục giải quyết vụ việc hành chính bình thường. Sau khi tiếp nhận đơn và xác nhận chủ thể nộp đơn có quyền khiếu nại, đơn hợp lệ thì cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động trong thời hạn luật định phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo từ chủ thể có quyền tố cáo cũng như đơn tố cáo hợp lệ, cơ quan thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động phải thực hiện thụ lý tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

2.2. Tổ chức điều tra lại tai nạn lao động

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời (quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo) của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết mà vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì:

- Đối với khiếu nại, tố cáo về Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra lại tai nạn lao động. Quy trình, thủ tục điều tra lại được thực hiện như quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động khác của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh (Tham khảo: Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh như thế nào? (Phần 1); Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh như thế nào? (Phần 2))

- Đối với khiếu nại, tố cáo về Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên ngành liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn lao động thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra lại tai nạn lao động. Quy trình, thủ tục điều tra lại được thực hiện như quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động khác của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương (Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương như thế nào? (Phần 1); Quy trình, thủ tục Điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương như thế nào? (Phần 2)).

Khi thực hiện hoạt động điều tra lại, Đoàn điều tra lại tai nạn lao động được các Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp dưới (đã thực hiện hoạt động điều tra) cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra lại.

Việc điều tra lại có thể được tiến hành nhiều lần bởi Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh và cấp trung ương. Tuy nhiên, kết luận của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương là kết luận cuối cùng. Đồng thời, khi Biên bản điều tra tai nạn lao động sau được công bố, thì Biên bản điều tra tai nạn lao động trước đó đối với cùng vụ tai nạn lao động sẽ hết hiệu lực pháp lý. Do đó, không thể tồn tại 02 Biên bản điều tra tai nạn lao động đối với cùng một vụ tai nạn lao động cùng có hiệu lực pháp lý tại một thời điểm.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư