Tạm đình chỉ công việc được quy định như thế nào trong Bộ luật lao động năm 2019?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

Bài viết này giải thích các trường hợp tạm đình chỉ công việc, thời hạn và tiền lương khi tạm đình chỉ công việc

Tạm đình chỉ công việc là một trường hợp đặc biệt khi người lao động và người sử dụng lao động vẫn giữ nguyên quan hệ lao động, nhưng việc người lao động dừng thực hiện công việc do người sử dụng lao động quyết định. Vậy tạm đình chỉ trong những trường hợp nào? Thời hạn và quyền lợi của người lao động sẽ được xử lý ra sao khi tạm đình chỉ công việc? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Trường hợp bị tạm đình chỉ công việc

Theo Khoản 1 Điều 128 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

“1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.”

Như vậy, người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động trong trường hợp có đầy đủ các điều kiện sau:

a. Người lao động đang bị người sử dụng lao động cho là có hành vi vi phạm, nhưng vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu người lao động tiếp tục làm việc thì khó khăn trong việc xác minh. Đây thường là những trường hợp người lao động phát hiện ra yếu tố vi phạm của người lao động sau khi người lao động có hành vi vi phạm, mức độ vi phạm có thể rất lớn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cũng như vấn đề tài chính của người sử dụng lao động (như vấn đề về bí mật kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ,…), hoặc các hành vi mà người lao động bị cáo buộc thực hiện là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có yếu tố hình sự (như giết người, trộm cắp, cướp giật tại nơi làm việc) và cần cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh làm rõ. Trong quá trình xác minh vụ việc, người sử dụng lao động nhận thấy người lao động nếu tiếp tục làm việc thì ảnh hưởng đến quá trình điều tra, kết luận của mình hoặc của cơ quan có thẩm quyền thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động.

b. Có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên. Do tổ chức đại diện người lao động có được thành lập để đảm bảo các quyền lợi của người lao động, đồng thời nếu việc xem xét tạm đình chỉ công việc của người lao động mà người sử dụng lao động toàn quyền quyết định thì sẽ dẫn tới việc tạm đình chỉ công việc của người lao động một cách chủ quan, dưới góc nhìn của riêng người sử dụng lao động, có khả năng làm ảnh hưởng đến quyền của người lao động. Vì vậy, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cũng như tham khảo dưới góc nhìn của người lao động, để đưa ra quyết định khách quan.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc

Theo Khoản 2 Điều 128 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày…

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.”

Dựa trên quy định này, người lao động có 02 thời hạn tạm đình chỉ công việc:

a. Trong trường hợp bình thường, thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày

b. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn tạm đình chỉ công việc không quá 90 ngày. Trường hợp đặc biệt ở đây không được Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định cụ thể, nhưng có thể hiểu là các trường hợp hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vụ việc có tính chất đặc biệt phức tạp cần thời gian điều tra, kết luận dài hơn, hoặc các lý do bất khả kháng dẫn đến việc điều tra, xác minh trở nên khó khăn và cần nhiều thời gian hơn như trường hợp do thiên tai, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm,…

Hết thời hạn tạm đình chỉ, người sử dụng lao động phải nhận người lao động về trở lại làm việc. Trong trường hợp người lao động bị tiến hành xử lý kỷ luật lao động, trong quá trình chuẩn bị xử lý kỷ luật, người lao động vẫn thực hiện công việc như bình thường, chỉ đến khi có quyết định xử lý kỷ luật sa thải, người lao động mới được coi là chấm dứt hợp đồng với người sử dụng lao động.

3. Tiền lương cho người lao động liên quan đến tạm đình chỉ công việc

Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 128 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.”

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

Mà theo Khoản 4 Điều 128 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Như vậy, mức lương của người lao động bị tạm đình chỉ được tính như sau:

a. Nếu người lao động bị xử lý kỷ luật, thì người lao động được tạm ứng 50% tiền lương. Số tiền lương được coi là căn cứ tạm ứng là khoản tiền lương người lao động được nhận trước khi bị tạm đình chỉ. Ví dụ: Người lao động được nhận lương tháng 02 là 4.000.000 Việt Nam Đồng. Sang tháng 03, người lao động bị tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đó người lao động được tạm ứng 2.000.000 Việt Nam Đồng. Số tiền lương tạm ứng này người lao động được nhận mà không phải hoàn trả lại người sử dụng lao động, dù có bị xử lý kỷ luật lao động.

b. Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật, thì người lao động ngoài nhận mức lương tạm ứng là 50% tiền lương trước khi bị tạm đình chỉ, còn được nhận thêm một khoản tiền lương chênh lệch giữa 50% đó và số tiền lương mà người lao động nhận được nếu đi làm việc trong thời gian đó. Ví dụ: Người lao động được nhận lương tháng 02 là 4.000.000 Việt Nam Đồng. Sang tháng 03, người lao động bị tạm đình chỉ công việc, trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ là 30 ngày, người lao động được tạm ứng 2.000.000 Việt Nam Đồng. Nhưng sau đó người lao động không bị xử lý kỷ luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả thêm cho người lao động 2.000.000 Việt Nam Đồng.

Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 cũng có quy định tương đối rõ ràng về tạm đình chỉ công việc của người lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và sự công bằng trong quá trình tạm đình chỉ công việc.

                                                          Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư